Kể từ thời điểm sau Tết, thông tin về đất đặc khu kinh tế đã trở thành tâm điểm của dư luận khi nơi đây, giá đất tăng từng ngày, từng giờ đặc biệt là đặc khu ở Vân Đồn và Phú Quốc.
Trong khi thị trường bất động sản ở những đặc khu đang diễn ra sôi động thì mới đây, ngày 3/5, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn. Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại Vân Đồn.
Tiếp ngay sau quyết định của tỉnh Quảng Ninh là Phú Quốc (Kiên Giang) đã có “lệnh” tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa.
Đến ngày 7/5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bình luận về tính pháp lý trong quyết định của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, luật sư Lê Văn Hồi (Giám đốc Công ty luật My Way) cho rằng: “Căn cứ vào các quy định pháp luật, quyết định “quản không được thì cấm” của lãnh đạo tỉnh là hành vi vi hiến”.
Bất kỳ một thị trường nào cũng cần phải tuân theo quy luật cung cầu và sự can thiệp của Nhà nước chỉ là điều chỉnh và định hướng để thị trường trở nên minh bạch chứ không phải quyết định “thích thì cấm”. Chắc chắn quyết định cấm này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư vì chính họ còn phải lo lắng khi sự rủi ro quá lớn lại xuất phát từ sự quản lý từ chính quyền.
Lê Duẩn - Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Hùng Vương
Luật sư Hồi phân tích: “Thứ nhất, theo quy định tại Điều 167 Luật Đất Đai 2013 ghi nhận "Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này".
Khi quyền sử dụng đất tại các khu vực này đáp ứng các điều kiện về chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích, tặng cho... thì không có lý do gì có thể ngăn cản người sử dụng đất thực thi quyền của mình.
Tiếp theo, trường hợp nếu là đất của doanh nghiệp thì quyết định này còn vi phạm khoản 8 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 khi ngăn cản quyền "Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp".
Rõ ràng, tại khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân Sự 2015 ghi nhận "Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Song ở đây việc UBND tỉnh Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa đã hạn chế quyền của cá nhân, của doanh nghiệp mà không thuộc trường hợp nêu trên.”
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, động thái siết chặt thị trường ở các đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong có thể đẩy thị trường bất động sản vào tình trạng rối ren hơn. Nguy cơ xảy ra tình trạng đóng băng và giao dịch chui là điều dễ dàng diễn ra trong tình hình bị “ép” giao dịch như hiện tại.
Theo ông Lê Duẩn (Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Hùng Vương tại đặc khu Bắc Vân Phong), tác động của phía chính quyền sẽ khiến thị trường bất động sản bị vỡ nhịp giao dịch bất ngờ.
“Quyết định tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước hết sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Họ có hàng mà không bán được dù đầy đủ chứng từ pháp lý như sổ đỏ vì quyết định này.
Rõ ràng quyết định của phía chính quyền khiến nhà đầu tư sẽ phải hoang mang và e ngại vào mức độ an toàn cũng như tính pháp lý khi tham gia rót tiền vào thị trường bất động sản.
Bất kỳ một thị trường nào cũng cần phải tuân theo quy luật cung cầu và sự can thiệp của Nhà nước chỉ là điều chỉnh và định hướng để thị trường trở nên minh bạch chứ không phải quyết định “thích thì cấm”.
Chắc chắn quyết định cấm này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư vì chính họ còn phải lo lắng khi sự rủi ro quá lớn lại xuất phát từ sự quản lý từ chính quyền” - ông Lê Duẩn nói.
Một nhà đầu tư ở Phú Quốc cho rằng: “Nếu người dân có vốn dư, họ đều muốn đầu tư vào bất động sản. Vì lưu trữ tiền ở nhà thì tiền mất giá liên tục, gửi tiết kiệm tiền Việt thì lãi suất cao nhất là 8,3% nhưng đến tiền trong ngân hàng cũng đôi lúc bị mất mà chẳng rõ nguyên nhân. Vậy chỉ còn cách đổ tiền vào bất động sản.
Nhưng nếu tình trạng cứ thị trường đang lên đỉnh thì chính quyền yêu cầu cấm thì nhà đầu tư cũng thấy hoảng sợ vì ở Việt Nam, không có đâu an toàn để trữ tiền”.
Video: Những điểm bất thường quanh bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm
Bình luận