Với những đoạn trailer giới thiệu về Tấm Cám – Chuyện chưa kể, khán giả tỏ ra rất hào hứng với bộ phim này vì… “không biết có gì mà chưa kể nữa nhỉ?!” Đằng sau câu chuyện cổ tích thân thuộc, Ngô Thanh Vân cùng Jun Phạm – thành viên nhóm 365 đã mang đến một câu chuyện về thời cuộc, đất nước và tình cảm đôi lứa thuỷ chung.
Tình cảm
Khác với cổ tích xưa, trong Tấm Cám – Chuyện chưa kể, nhân vật chính là chàng thái tử Hiếu Long do Isaac thủ vai. Xuyên suốt bộ phim là hành trình trưởng thành, trải qua nhiều mất mát, đau khổ của nhân vật thái tử này để giành được đất nước và ở bên cạnh người mình yêu thương.
Như một lời chứng minh “Không có con đường nào trải hoa hồng, nếu muốn có được hạnh phúc” bất kể bạn sinh ra với thân phận cao sang hay thấp hèn.
Tất cả những tuyến nhân vật còn lại đều là hỗ trợ cho thái tử để mạch chuyện thêm đầy đặn, và may mắn thay, Isaac đã làm tốt vai diễn đầu tiên của mình.
Đầu tiên, Isaac là thái tử đẹp trai “không góc chết” của điện ảnh Việt trong số tất cả các phim cổ trang từ trước đến nay. Thứ hai, nét diễn xuất tự nhiên và giàu cảm xúc của anh đã góp phần khiến không ít khán giả cảm động.
Phân cảnh cảm động nhất của phim có lẽ là hình ảnh thái tử vẫn đau xót khôn nguôi trước cái chết của vợ mình, đôi mắt anh lúc nào cũng ngấn lệ.
Từ sự giận dữ vì lời hứa “Ta sẽ mãi mang đến hạnh phúc cho nàng, để nàng không phải lo toan vất vả nữa” đến cảm giác bất lực khi người mình yêu thương đột ngột ra đi không kịp có một lời từ biệt.
Tất nhiên, không thể thiếu được những cảnh Isaac hôn Hạ Vi quá ngọt và cái ôm rất đàn ông, ấm áp khi được gặp lại người vợ thân yêu của mình đều diễn xuất rất đạt.
Bên cạnh việc lý giải những “điều bí ẩn” trong chuyện cổ tích Tấm Cám như: vì sao cô Tấm bước ra từ quả thị và sống hạnh phúc suốt đời cùng thái tử? hình ảnh chim vàng anh, cây xoan đào đã xuất hiện ra sao để mà thái tử biết đây chính là “hiện thân của Tấm”?.... thì “chuyện chưa kể” của Tấm Cám phiên bản điện ảnh còn lồng ghép câu chuyện về lòng yêu nước, bản sắc dân tộc hùng tráng nhất từ trước đến nay.
Lần đầu tiên khán giả nhìn thấy một bộ phim Việt có ba quân tướng sĩ trang phục áo giáp sắt chỉn chu, đẹp đến từng chi tiết và còn đông đảo rất hoành tráng không thua kém gì phim nước ngoài.
Cũng như những cảnh “giáp lá cà” giữa các bên quân sỹ phe ta – phe giặc hay phe phản của nghịch tặc đều được thể hiện rất rõ ràng và chắc chắn khiến không ít khán giả Việt phải “nở mũi tự hào” vì cuối cùng phim Việt đã có thể “làm được như thế đấy!.
Và, trang phục cổ trang chỉn chu có sự đầu tư hoàn chỉnh cũng chính là điểm nhấn lớn nhất trong bộ phim này, có thể nói, Ngô Thanh Vân đã quyết tâm nhào nặn đứa con tinh thần của mình thật xinh đẹp từ nội dung đến hình thức, cô thể hiện mình không hời hợt trong bất kỳ chi tiết nào.
Sau tất cả những lời nói “độc ác”, hành động ức hiếp của mẹ ghẻ dành cho con chồng thì nhân vật dì ghẻ do Ngô Thanh Vân thể hiện cũng khiến khán giả xúc động khi mọi chuyện bà làm đều vì “mẹ nào mà chẳng thương con”.
Phân cảnh khi dì ghẻ chặt cây để sát hại cô Tấm trong ngày giỗ cha, Ngô Thanh Vân đã diễn tả được sự sợ hãi dần chuyển biến thành ý chí quyết tâm của dì ghẻ. Bà cũng sợ giết người thế nhưng “Mình phải vì con Cám, vì tương lai của con”, dì ghẻ càng quyết tâm hơn, nét diễn xuất này cũng khiến cho không ít khán giả cảm động.
Một cảnh nữa của nhân vật mẹ Cám gây lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả chính là khi vừa ăn chén cơm mắm thịt – mà theo câu chuyện xưa là thịt của Cám do Tấm làm mắm – không thể hiện rõ cái ý “gây tranh cãi vì quá độc ác” này của tích xưa, người ta chỉ thấy cảnh dì ghẻ bần thần nhận lấy chén cơm từ cô Tấm, người run lên vì giận và sau miếng cơm đầu tiên, nước mắt bà rơi và nhắm mắt đầy cam chịu. Hình ảnh này gây ám ánh không thôi về nỗi đau, bất lực của một người mẹ mất con.
Vai cô Cám của Ninh Dương Lan Ngọc là một vai diễn đầy ấn tượng. Bởi, trong dàn cast của bộ phim, Lan Ngọc là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất, lần đầu thể hiện vai ác, nữ diễn viên này mang đến một cô Cám tròn vẹn: từ một cô gái vốn được mẹ nuông chiều, lười biếng, hay ganh ghét với người chị cùng cha khác mẹ đến một người phụ nữ sẵn sàng làm tất cả mọi điều kể cả những việc độc ác nhất để giành lấy trái tim của thái tử.
Khi không thể có được chàng, Cám cũng sẵn lòng bắt tay cùng kẻ ác – nhân vật thừa tướng – để ra tay giết thái tử, hạ độc vua đổi lấy cuộc sống vinh quang phú quý về sau cùng mẹ già.
Với cảnh “giết chim vàng anh”, Ninh Dương Lan Ngọc lột tả liên tiếp nhiều cảm xúc: ghen tuông, giận dữ, điên loạn, thích thú…xen kẽ và gây ám ảnh cho không ít khán giả.
Những nhân vật khác như ông Bụt (NSƯT Thành Lộc), bà lão đi đường hứng lấy quả thị và cứu hoàng tử (NSND Ngọc Giàu), thái giám Thuận Nô (Jun Phạm)…là những vai rất duyên, là điểm nhấn đặc sắc của Tấm Cám – Chuyện chưa kể.
Tuyến nhân vật thứ chính khác là vai Trần Bằng của Will (thành viên nhóm 365) cũng gây bất ngờ cho khán giả về mặt diễn xuất, từ một người bạn thân thuở thiếu thời nhất mực trung thành cùng thái tử, ở bên anh vào những lúc khó khăn nhất, sẽ chia theo cách rất đàn ông là cùng đánh võ nhưng phải dằn lòng phản bạn vì chữ hiếu cùng “nghĩa phụ” là tể tướng.
Để rồi khi phát hiện ra chân tướng sự việc anh đã chấp nhận hy sinh thay cho bạn mình là thái tử, cái chết không nhắm mắt của Trần Bằng khiến nhiều người gật gù thán phục vì lần đầu tiên đóng phim, Will đã thể hiện không thua kém gì diễn viên chuyên nghiệp
Cuối cùng, là vai phản diện trong mọi bộ phim cổ trang: nhân vật Tể tướng do NS Hữu Châu thể hiện. Với giọng nói hào sảng đặc trưng, cùng tạo hình “ác ra mặt” NS Hữu Châu đã khiến khán giả rợn người mỗi khi ông xuất hiện và cũng là điểm nhấn cứu khá nhiều về cảm xúc cho bộ phim đỡ nặng nề
Những điều còn….chưa đã
Khán giả có thể cảm động với tình yêu và sự hy sinh mà Tấm dành cho thái tử, đúng với lời thề nguyện: “Thiếp sẽ mãi mãi bên chàng”, nhưng, vì tuyến nhân vật chính là thái tử nên Tấm chỉ còn là thứ chính, những câu chuyện quen thuộc trong tích xưa lại được lược đi quá nhanh chóng, khiến khán giả chỉ kịp đọng lại một điều “Tấm chỉ cần khóc thôi, cả thế giới đã có Bụt lo”. Điều này khiến không ít người không còn thiện cảm với nhân vật Tấm.
Hạ Vi trong vai Tấm cũng là một bước dạo đầu chạm ngõ điện ảnh, nhưng nét diễn của cô gái này được không ít người nhận xét là “không cảm xúc”. Từ đầu đến cuối Hạ Vi ngoài đẹp ra thì cực kì đơ, kể cả với phân cảnh cây đổ và Tấm chết, gương mặt không chút cảm xúc của Hạ Vi khiến cả rạp cười rần thay vì thương cảm cho Tấm.
Nếu như không có những cảnh tình cảm cùng thái tử được thể hiện tròn vẹn thì không gì cứu được vai Tấm khá mờ nhạt của Hạ Vi. Chốt lại với vai diễn này, khán giả chỉ nhớ rằng “Hạ Vi rất đẹp!”
Chính vì thế, người ta tiếc nuối vì cô Cám của Ninh Dương Lan Ngọc hơi thiếu đất diễn, nữ diễn viên trẻ này cùng dàn diễn viên gạo cội đã “cứu rất nhiều” về mặt diễn xuất cho bộ phim.
Bên cạnh việc khá đơ về diễn xuất của Hạ Vi, một điểm trừ khác chính là đài từ của diễn viên trong phim không đồng nhất, ngoại trừ những nhân vật gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu tất cả các tuyến nhân vật còn lại nói đủ thứ tiếng miền Nam, miền Bắc, tiếng địa phương đặc trưng khi phát âm không tròn trịa.
Nhân vật bị điểm trừ nhiều nhất về đài từ chính là S.T, được xây dựng hình ảnh phản diện đẹp trai, lạnh lùng nhưng khi S.T thoại đã phá hỏng khá nhiều thiện cảm mà khán giả dành cho anh.
Một trong những điều tự hào, cũng là minh chứng để phim Việt có thể tiến xa hơn trong tương lai chính là hai con quái vật ở cuối phim và những cảnh phim được xây dựng bằng kỹ xảo CGI. Nhưng, những chi tiết này do kỹ thuật làm phim của Việt Nam vẫn chưa thể tiến xa hơn nên vẫn khiến cảnh quay bị giả, chưa thực sự quá đẹp như mong đợi, vẫn làm người xem tiếc nuối và thốt lên: “Thiếu một chút nữa thôi!”
Những cảnh iáp lá cà oai hùng chém giết lẫn nhau lại không có “máu me” cây kiếm đâm vào người rút ra vẫn trắng bóng. Có thể lý giải vì những cảnh máu me không phù hợp với khán giả nhí, tuy nhiên trong phim lại có những cảnh hôn nhau và hình ảnh thái tử “bán nude” cũng không phù hợp lắm với đối tượng khán giả này, thành ra, việc này làm cho bộ phim …chưa đã về phần hình ảnh cho lắm.
Tạm kết
Nếu là một khán giả khó tính, người ta sẽ “soi” được rất nhiều lỗi của Tấm Cám – Chuyện chưa kể, bỏ qua những câu chuyện lùm xùm bên lề thì việc xây dựng hình ảnh chỉn chu, làm một bộ phim tôn vinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc cuả Ngô Thanh Vân là một điều rất đáng để được khích lệ. Đả nữ đã làm cho không ít người Việt tự hào, có thêm niềm tin về một tương lai không xa dành cho điện ảnh Việt.
Tuy vậy, những gì còn thiếu sót vẫn cần phải được ghi nhận, Tấm Cám là bộ phim nên xem, đáng xem nhưng không vì thế mà khoác lên phim một chiếc áo quá rộng về “bom tấn” cùng những mĩ từ xa hoa để từ đó dễ có những “ảo tưởng” và đặt một áp lực vô hình cho bộ phim sau của Ngô Thanh Vân.
Video Ngô Thanh Vân, Lan Ngọc: Cặp mẹ con Cám xinh đẹp
Bình luận