Vào sáng 17/8, Beheshta Arghand, nữ phát thanh viên của kênh truyền hình tư nhân Tolo News, đã phỏng vấn một quan chức Taliban, đặt câu hỏi về việc lục soát từng ngôi nhà ở thủ đô Afghanistan.
Ông Mawlawi Abdulhaq Hemad, thành viên bộ máy truyền thông của Taliban, cho biết: “Cả thế giới phải công nhận rằng Taliban là những người cai trị thực sự của đất nước. Tôi vẫn ngạc nhiên khi biết mọi người còn sợ Taliban”.
Thật là một hình ảnh đáng chú ý khi một thành viên Taliban trả lời phỏng vấn từ một nữ phóng viên. Đây được xem là một phần trong chiến dịch lớn của Taliban nhằm thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn với thế giới và giúp chế ngự nỗi sợ hãi đang bao trùm đất nước kể từ khi họ chiếm Kabul hôm 15/8, New York Times miêu tả.
Nhưng vài giờ sau, Khadija Amin, 28 tuổi, nữ phóng viên nổi tiếng trên truyền hình nhà nước, đã khóc khi trò chuyện trên ứng dụng Clubhouse, nói rằng Taliban đã đình chỉ cô và các nữ nhân viên khác làm việc vô thời hạn.
“Tôi là một nhà báo và không được phép đi làm. Tất cả những gì chúng ta đạt được trong 20 năm qua sẽ biến mất, thế hệ trẻ sẽ không còn lại gì. Taliban không hề thay đổi”, cô nghẹn ngào nói.
Câu chuyện của hai nữ phóng viên đã phản ánh nỗi hoang mang, lo lắng tột độ mà phụ nữ Afghanistan phải đối mặt khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Nhiều người lo sợ về quá khứ hà khắc của Taliban khi cấm phụ nữ làm việc bên ngoài, cấm ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng, trẻ em gái không được đi học và các cuộc trừng phạt tại nơi công cộng.
Chỉ được hoạt động "trong giới hạn của luật Hồi giáo"
Taliban đang cố gắng trấn an phụ nữ rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Họ nói rằng nói rằng phụ nữ sẽ được phép làm việc, học tập và khuyến khích họ tham gia vào chính phủ.
Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban cho biết: “Chúng tôi đảm bảo sẽ không có bạo lực và thành kiến đối với phụ nữ”.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh thêm, phụ nữ được tham gia hoạt động xã hội "trong giới hạn của luật Hồi giáo”.
Sự cai trị trước đây của Taliban trong quá khứ là thời kỳ đen tối đối với phụ nữ Afghanistan, và sau nhiều năm, họ vẫn phải chịu đựng sự đau khổ và khó khăn, kể cả với đàn ông. Điều thay đổi trong 20 năm qua là cách đối xử với phụ nữ.
Trong gần 2 thập niên, rất nhiều tiến bộ đối với quyền lợi của phụ nữ đã diễn ra tại Afghanistan, một phần được thúc đẩy bởi khoản đầu tư hơn 780 triệu USD của Mỹ. Phụ nữ được tham gia lực lượng quân đội, cảnh sát, nắm giữ các chức vụ chính trị, thi đấu tại Thế vận hội và thi đấu trong đội robot - những điều chưa từng xảy ra dưới thời Taliban.
Câu hỏi đặt ra là liệu cách giải thích luật Hồi giáo của Taliban có hà khắc như trước đây hay không.
Ở một vài khu vực, Taliban đã bắt đầu thiết lập lại trật tự cũ. Phụ nữ ở một số tỉnh được yêu cầu không ra khỏi nhà nếu không có nam giới đi cùng.
Tại Herat, miền Tây Afghanistan, các tay súng Taliban đã canh cổng trường đại học và ngăn không cho các nữ sinh và giảng viên vào trường từ hôm 17/8.
Tại thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan, các phòng khám chăm sóc sức khỏe phụ nữ bị đóng cửa. Ở một số quận, các trường nữ sinh cũng đã đóng cửa kể từ khi Taliban kiểm soát vào tháng 11/2020.
Phụ nữ bắt đầu mặc burqa kín mít từ đầu đến chân khi ra đường, một phần vì sợ hãi và một phần là đề phòng các hạn chế của Taliban.
Tại Đại học Kabul, các nữ sinh không được phép rời khỏi phòng ký túc xá trừ khi có người thân là nam giới giám hộ.
Tại Mazar-i-Sharif, miền Bắc Afghanistan, cô Aliya Kazimy, giáo sư đại học 27 tuổi, nói rằng phụ nữ đi mua sắm một mình trong khu chợ sẽ bị yêu cầu trở về đi cùng người giám hộ nam.
"Thế hệ của tôi có rất nhiều cơ hội sau sự sụp đổ của Taliban 20 năm trước. Tôi đã đạt được mục tiêu học tập và trong một năm tôi đã là giáo sư đại học, nhưng bây giờ tương lai đang rất tăm tối và mờ mịt. Tất cả thời gian làm việc chăm chỉ và ước mơ trở thành vô nghĩa. Và những cô gái mới lớn, tương lai nào đang chờ đợi họ?”, cô nói.
Từng bước tiến thận trọng
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết ông nhận được những báo cáo “ớn lạnh” về những hạn chế nhân quyền ở Afghanistan. Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông “đặc biệt lo ngại về các vụ vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan”.
Liên hợp quốc chưa cung cấp thêm chi tiết về những báo cáo đó và còn quá sớm để khẳng định liệu các báo cáo này có đại diện cho chính sách quốc gia của chính phủ mới thành lập hay không.
Cũng có vài trường hợp cho thấy Taliban đang áp dụng biện pháp mềm mỏng hơn về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái.
Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã gặp một ủy viên y tế Taliban vào hôm 16/8 tại Herat, cho biết họ đã yêu cầu những người phụ nữ tại Bộ Y tế trở lại làm việc.
Nhưng UNICEF cũng báo cáo nhiều thông tin trái chiều về giáo dục: ở một số khu vực, chính quyền địa phương của Taliban đang chờ chỉ đạo từ các nhà lãnh đạo khi ở một số nơi khác yêu cầu tổ chức trường học cho nam sinh và nữ sinh.
Mustapha Ben Messaoud, giám đốc vận hành của UNICEF tại Kabul, cho biết: “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về các bước tiến mới".
Các nhà quan sát khác cho biết Taliban từng cho phép các nữ phóng viên quốc tế của CNN và các hãng thông tấn khác phỏng vấn, nhưng rất hiếm khi ở trong nước.
Rukhsar Azamee, một nhà sản xuất cảu đài truyền hình Tolo, đã phải rời khỏi Afghanistan vào năm 2015 sau khi nhận được nhiều lời dọa giết, kể rằng một kẻ đánh bom liều chết của Taliban đã tấn công một chiếc xe buýt Tolo vào năm 2016, giết chết 7 đồng nghiệp của cô và bị thương 25 người.
Và việc Amin và những người phụ nữ khác bị đình chỉ công tác trên đài truyền hình nhà nước đã làm suy yếu mọi thiện chí được xây dựng từ cuộc phỏng vấn trên Tolo.
Đón nhận trong sự hoài nghi
Ít ai tin vào việc cho rằng Taliban sẽ thay đổi nhanh chóng.
Lo lắng với tình hình hiện nay, nhiều phụ nữ đóng cửa ở trong nhà. Người dân Kabul đã xé mọi quảng cáo có hình phụ nữ không trùm khăn kín đầu.
Tại Kabul, một số ít phụ nữ đã dũng cảm biểu tình tại một quảng trường gần dinh tổng thống, cầm bảng hiệu trước các chiến binh Taliban có vũ trang đòi các quyền tự do công dân, xã hội và chính trị.
Lần cuối khi Taliban nắm quyền cai trị, các hạn chế mạnh về hành vi, ăn mặc và di chuyển được thiết lập bởi cảnh sát đạo đức từ Bộ Tuyên truyền và Chống vi phạm Đạo đức. Họ lái xe bán tải đi quanh phố, công khai làm nhục và đánh đập những người phụ nữ không tuân thủ quy tắc.
Năm 1996, một phụ nữ ở Kabul bị chặt ngón tay cái chỉ vì sơn móng tay, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Phụ nữ bị tố ngoại tình bị ném đá đến chết. Đồng tính luyến ái bị quy vào tội chết.
Lệnh cấm nữ sinh buộc các nữ giáo viên phải bí mật thành lập các lớp học tại nhà riêng. Các nhân viên y tế nữ vẫn được làm việc nhưng trong các cơ sở được quản lý nghiêm ngặt về giới tính.
Đáng buồn cho một thế hệ mới của những cô gái Afghanistan, những người lớn lên khi sự học và ước mơ còn dang dở thì Taliban đã ập đến đưa tất cả về thời kỳ đen tối và đau khổ.
Wida Saghary, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Afghanistan, đã rời Afghanistan đến Ấn Độ ba tháng trước, đang che chở cho ba nhà hoạt động nữ tại nhà riêng ở Delhi và vẫn liên lạc với các nhà hoạt động khác trong nước. Cô kêu gọi phụ nữ lên tiếng chống lại các hạn chế của Taliban một cách hòa bình nhưng mạnh mẽ.
Cô khẳng định: “Taliban chưa bao giờ chứng kiến nhiều phụ nữ đi làm và đi học. Chúng ta phải đấu tranh, phụ nữ không thể chịu đựng mãi".
Bình luận