Liên quan vụ tài xế xích lô "chặt chém" cụ ông người Nhật gần 3 triệu đồng ở TP.HCM, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đây là vấn nạn gây cản trở rất lớn trong chiến lược phát triển lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Tình trạng “chặt chém” du khách, đặc biệt là những du khách nước ngoài, diễn ra nhiều ở những thành phố lớn, địa điểm du lịch nổi tiếng như: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Vũng Tàu…
Đa số những trường hợp này đều không được xử lý thích đáng, gây bức xúc cho du khách, khiến họ cảm thấy không được bảo vệ.
Nhiều trường hợp nạn nhân còn tuyên bố không quay trở lại Việt Nam lần thứ hai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch của nước ta.
Theo luật sư Hùng, hành vi tài xế xích lô "chặt chém" cụ ông người Nhật gần 3 triệu đồng ở TP.HCM sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 45/2019/NĐ - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch theo đó cơ quan chức năng có thể áp dụng mức phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng về hành vi thu lợi bất chính từ khách hàng.
Ngoài ra, tài xế xích lô còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Căn cứ điểm c khoản 4 và khoản 9 điều 6 Nghị định 45/2019. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch; Không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý; Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch.
Theo đó, tài xế taxi buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này.
“Ngoài ra đối với trường hợp này, tài xế xích lô còn có hành vi thò tay vào ví của khách hàng để lấy đi 2,9 triệu đồng.
Tài xế lợi dụng việc khách hàng là người nước ngoài, gặp bất lợi về rào cản ngôn ngữ, khó khăn trong việc bảo vệ tài sản của mình, có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai, trắng trợn mà không cần dùng đến vũ lực hoặc đe dọa”, Luật sư Hùng nhận định.
Với hành vi trên, tài xế taxi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự 2015:
Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Luật sư Hùng cho biết thêm, để xử lý nghiêm tình trạng chặt chém, bảo vệ khách du lịch, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định Số: 45/2019/NĐ - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực ngày 1/8/2019.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng, đã tăng mức phạt so với quy định cũ.
“Đối với những trường hợp có dấu hiệu hình sự cần phải xử lý đúng tính chất, mức độ của hành vi để răn đe, xóa bỏ nạn chặt chém, tạo cảm giác an toàn cho khách du lịch, từ đó xây dựng hình ảnh cho ngành du lịch của nước ta”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Bình luận