Mấy tháng gần đây, anh Thanh Tùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đứng ngồi không yên vì món nợ vay đầu tư ôtô chạy Uber. Đầu năm 2016, chứng kiến cảnh bạn bè kiếm vài chục triệu đồng/tháng từ việc tham gia ứng dụng chia sẻ hành trình Uber, anh Tùng bỏ việc tại một công ty xây dựng, vay vốn bên ngoài để đầu tư xe.
Anh Tùng suy tính chỉ cần trên dưới 1 năm, anh có thể thu hồi vốn, và có lời là chiếc xe làm nguồn thu nhập.
Thế nhưng, anh sớm vỡ mộng vì nguồn thu không như đồn đoán, tính toán ban đầu. Thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi tháng chỉ đảm bảo chi tiêu, khoản tiền nợ gốc và lãi vẫn cộng dồn đó.
Anh Tùng không phải là trường hợp hiếm gặp với các tài xế Uber.
Giai đoạn đầu năm 2015 đến giữa 2016 là thời kỳ đỉnh cao của loại hình chạy xe Uber. Khi đó người tiêu dùng bắt đầu biết đến loại hình xe này và sử dụng nhiều. Giá xe chạy Uber rẻ, liên tục có khuyến mãi, phần mềm lại nhanh chóng và tiện lợi nên được nhiều người lựa chọn.
Cùng với sự phát triển của người dùng, Uber liên tục có những chính sách và trả công rất hậu hĩnh cho đội ngũ chủ xe. Nhờ đó, một lượng lớn các tài xế bị thu hút vào loại hình vận chuyển mới mẻ này. Theo như ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này tại Việt Nam cao thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc).
Không chỉ những người có xe nhàn rỗi mà còn nhiều người còn quyết định mua xe mới để kinh doanh.
Cuối năm 2015, anh N.Đ. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chi hơn 1 tỷ đồng đầu tư 3 xe Kia Morning (350 triệu đồng/xe) để chạy Uber, thuê thêm 2 tài xế chạy cùng giữa bối cảnh thị trường đang có mức tăng trưởng nhanh.
Nhờ chính sách tốt thời điểm đó, mỗi tháng một tài xe có thể thu lãi khoảng 30 triệu đồng (đã trừ các khoản chi phí). Chưa kể một số tháng dịp cận Tết hoặc những ngày lễ lớn, thu nhập có thể cao hơn 1,3 đến 1,5 lần.
“Nếu so sánh với tiền gửi ngân hàng hay đầu tư cái khác, đầu tư vào Uber quá hợp lý”, anh Đ. chia sẻ.
Theo lý giải của anh Đ., tiền được nhận trên mỗi kilomet không nhiều nhưng các chính sách hỗ trợ lái xe rất hấp dẫn. Trung bình mỗi kilomet, người dùng phải trả khoảng 5.000-6.000 đồng tùy theo thời gian trong ngày, tùy tuyến phố. Tài xế trích lại khoảng 20% cho hãng còn lại tự thu.
Nếu một ngày, tài xế chạy trung bình 8 tiếng cũng thu về khoảng 400.000-500.000 đồng (đã trừ xăng xe). Nếu tài xế tăng ca, làm thêm khoảng 12h/ngày thì có thể thu được 700.000-800.000 đồng.
Cùng với đó, lái xe chạy trên 40 chuyến hoặc 50 chuyến/ngày thì được thưởng 1,2-1,5 triệu đồng; trợ giá một số đoạn đường ngắn trên phố cổ với giá cao. Nếu tài xế chạy được trên 5 chuyến trong khung giờ buổi trưa từ 12-14h thì được thưởng ngay lập tức 200.000 đồng…
Nhờ đó, một ngày chăm chỉ, tài xế thu lãi được khoảng 1 triệu đồng là rất bình thường.
Thế nhưng, khoảng nửa năm trở lại đây, theo anh Đ., việc kinh doanh chạy Uber lao dốc. Lợi nhuận từ chạy Uber không còn hấp dẫn do sự cạnh tranh quá lớn giữa các tài xế và sự cắt giảm các chính sách hỗ trợ.
Trước đây, ngay cả với cuốc xe chỉ 6.000 đồng từ khách, số tiền thực nhận của tài xế là phần hỗ trợ từ hãng, với mức từ 20.000 đến 60.000 đồng/cuốc tùy từng thời điểm.
Thế nhưng, "các chính sách hỗ trợ từ Uber, Grab cho tài xế ngày một cắt đi. Đã thế, chúng tôi phải trẻ thêm khoản thuế 5% trên mỗi kilomet", anh Đ. chia sẻ.
Hơn nữa, nhiều người đổ tiền đầu tư khiến lượng xe chạy tăng đột biến. Khách hàng cứ bật máy lên là tìm thấy xe nhanh chóng. Khách hàng không hề biết các lái xe phải cạnh tranh nhau khiến các chuyến không đều và liên tục như trước.
"Không còn giai đoạn “làm chơi” cũng được 500.000-600.000 đồng một ngày nữa mà phải rất chăm chỉ, chịu khó mớt đạt được con số đó. Giờ thu nhập bình thường một ngày chỉ khoảng 300.000-400.000 đồng, rất khó và cũng rất lâu để hoàn được vốn mua xe”, một tài xế của hãng cho biết.
“Quá áp lực về việc việc phải trả nợ ngân hàng cho khoản đầu tư của mình nên tôi phải nhanh chóng bán xe kẻo thua lỗ nặng. Ngoài khoản tiền đã thu được thời Uber còn sốt, cộng với khoản bán xe nên tôi không lỗ nhiều. Một số người bạn của tôi đầu tư lớn hơn và muộn hơn thì phải vội bán xe cắt lỗ”, anh Đ. cho biết thêm.
Liên lạc với Uber, hãng từ chối bình luận về việc có hay không chuyện Uber không đảm bảo thu nhập như cam kết cho tài xế, khiến họ thấy bị lừa. Hãng cùng không tiết lộ về thu nhập của tài xế khi tham gia vào mạng lưới này.
Trong khi đó, Grab, đối thủ cạnh tranh của Uber, đưa ra lời quảng cáo thu nhập lên tới 35 triệu mỗi tháng với ôtô nhàn rỗi. Cụ thể, hãng này cho biết thu nhập tài xế "trung bình từ 26-33 triệu khi hoạt động toàn thời gian mỗi tháng... tăng đến 35 triệu vào mùa cao điểm như mùa mưa, lễ".
Bình luận