Sau hơn 10 năm ngồi sau vô lăng xe container, anh Lương Văn Hảo (SN 1984) đã chuyển sang công việc quản lý, điều hành công ty vận tải.
Thỉnh thoảng, anh mới lại cầm lái. Tuy nhiên, khi nhắc đến những kỷ niệm với nghề, đôi mắt anh lại ánh lên vẻ tự hào.
“Hiếm có nghề nào như nghề lái xe, được tự do đi và khám phá nhiều vùng đất, được gặp gỡ những con người ở khắp mọi miền quê...”, anh giải thích.
Tuy vậy, bên cạnh những điều thú vị vừa kể, người đàn ông sinh năm 1984 này cũng phải thú nhận, họ có những nỗi vất vả mà không phải người trong nghề sẽ không thể cảm thông.
“Ví dụ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, bạn có tin nhiều lái xe có thể ngủ đứng, ngủ ngồi? Giấc ngủ của họ chỉ kéo dài khoảng vài chục giây? Bữa ăn của họ có thể chỉ là một lon nước ngọt, một cốc cà phê?
Thu nhập cả năm thậm chí nhiều năm của họ có thể chỉ mất trong tích tắc nếu tai nạn không may xảy ra”, anh Hảo nói.
Với kinh nghiệm chục năm cầm lái, anh Hảo khẳng định tai nạn có thể xảy ra với bất cứ tài xế nào.
Chính vì vậy khi đi đường, chứng kiến tai nạn, các tài xế thường có tâm lý sẵn sàng hỗ trợ người gặp nạn.
“Tôi cứ nhớ mãi một vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) cách đây vài năm”, anh Hảo nhớ lại.
Khi đó, một chiếc xe tải bị hỏng giữa đường. Tài xế xe tải đã bật đèn cảnh báo. Tuy nhiên vì trời mưa to, tầm nhìn ngắn nên một xe tải đã lao thẳng vào.
“Cú đâm mạnh làm cabin chiếc xe bẹp dúm. Người tài xế bị ép tới mức gãy nát chân. Thấy vậy, tôi đã dùng dây nối xe của mình và đầu cabin xe bị nạn để kéo ra. Nhờ đó, vị tài xế gặp nạn mới nhanh chóng được đưa ra ngoài, chuyển đến bệnh viện cấp cứu”, anh Hảo cho biết.
Lần khác, tại địa phận Hưng Yên, anh Hảo cũng gặp người bị nạn và giúp đỡ. Tuy nhiên sự giúp đỡ lần này lại khiến anh bị sốc, mất niềm tin vào những nghĩa cử cao đẹp.
“Đó là một đêm mưa. Tôi lái xe với vận tốc thấp để đảm bảo an toàn. Đang đi đến địa phận Như Quỳnh, Hưng Yên tôi thấy một người đàn ông đi xe máy bị ngã bên đường.
Tôi nghĩ, trời đã khuya, đường vắng vẻ, người bị nạn không có ai giúp sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy tôi và một lái xe đi cùng đã tìm cách dừng xe, bật cảnh báo rồi đến giúp đỡ.
Ai ngờ khi tỉnh lại, người này bất ngờ la lớn, gọi người thân đến và khăng khăng chúng tôi là người gây tai nạn” anh Hảo kể, giọng ấm ức.
Cuối cùng, để có thể rời đi, đảm bảo thời gian cho việc bàn giao hàng hóa, anh Hảo buộc phải chi tiền đền bù. Số tiền không quá lớn vì người đàn ông nọ chỉ xây xước chân tay và xe máy. Tuy nhiên mỗi lần nhớ đến, anh Hảo lại thấy bức xúc.
Sau này, khi đi những cung đường khác, anh Hảo cho biết, anh còn gặp nhiều trường hợp giả vờ tai nạn để cướp đường.
“Những kẻ này tạo hiện trường tai nạn. Tài xế không thể lái xe qua nên buộc phải xuống khỏi cabin hoặc dừng xe chờ đợi. Khi đó, họ sẽ đột nhập cabin, thùng xe để lấy cắp hoặc trắng trợn đòi tiền tài xế”, anh Hảo nói.
Thương tâm hơn, nhiều trường hợp vì giúp người đi đường mà tài xế bị mất nghiệp, thậm chí mất mạng.
“Đó là lý do vì sao, hiện nay, nhiều tài xế thấy người gặp nạn không dám dừng lại. Với tôi, sau nhiều lần bị vạ lây vì muốn giúp người, tôi cũng từng mất niềm tin và nghĩ sẽ không bao giờ cứu người giữa đường.
Tuy nhiên sau đó, trên các hành trình, gặp những người bị nạn, tôi vẫn không thể ngoảnh mặt làm ngơ...” anh Hảo nói thêm.
Bình luận