Bộ Công an đã có phản hồi trước kiến nghị của cử tri về làm rõ trách nhiệm trong việc để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài.
Theo bản Tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri vừa được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các vị đại biểu, cử tri tỉnh Quảng Trị, Bình Dương, Phú Yên, Bình Phước, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Yên kiến nghị cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đã bố trí, giới thiệu luân chuyển công tác đối với ông Trịnh Xuân Thanh trong khi ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện và có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, điều hành gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc để ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài khi đang trong quá trình điều tra, xác minh các hành vi sai phạm. Cử tri đề nghị cần tập trung vào các mối quan hệ quốc tế để đưa các ông này về nước chịu tội; quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng để lấy lại lòng tin với nhân dân.
Trả lời nội dung này, Bộ Công an cho biết, căn cứ Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định: Chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Trong quá trình các cơ quan chức năng đang thu thập tài liệu, xác minh làm rõ các sai phạm, chưa khởi tố bị can thì Trịnh Xuân Thanh đã tìm cách bỏ trốn, cho nên việc cơ quan Công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Trịnh Xuân Thanh là theo quy định của pháp luật.
Video: Những câu hỏi lớn từ vụ án Trịnh Xuân Thanh
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật hình sự và ra lệnh truy nã quốc tế.
Theo Bộ Công an, hiện Bộ đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cần thiết để truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp ông Vũ Đình Duy, ngày 22/10/2016, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh sang Thái Lan khi đang giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), thuộc diện quản lý của Vinachem.
Đến ngày 08/11/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới tiếp nhận Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về một số sai phạm trong quá trình xây dựng Nhà máy sản xuất sơ sợi Polyeste Đình Vũ (ông Vũ Đình Duy là Phó Tổng giám đốc, phụ trách dự án từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2014).
"Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ làm rõ các sai phạm tại PVTex và cá nhân ông Vũ Đình Duy để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ Công an cho biết.
Liên quan tới nội dung này, trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình), cử tri Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình) nêu câu hỏi: "Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Trung Dũng khi phát hiện vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài. Vậy liệu có người nào đó đã bố trí cho họ bỏ trốn không? Chúng tôi rất muốn biết là đến giờ đã bắt được những người này chưa?"
Mặc dù tại cuộc họp này, câu hỏi trên chưa được trả lời cụ thể nhưng thực tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn đang tích cực điều tra mở rộng các vụ án kinh tế liên quan đến các đối tượng trên. Trong một động thái mới nhất, ông Đỗ Văn Hồng, nguyên Tổng giám đốc Công ty PVC-Kinh Bắc (trước đây thuộc PVC)- một nghi can được cho là có liên quan đến nghi an Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Một cán bộ lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ này cũng không nắm rõ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn theo con đường nào. "Chúng tôi được biết, có thời điểm, ông Thanh còn ở Thổ Nhĩ Kỳ", ông này cho biết.
Bình luận