Chiều 9/2, đơn vị quản lý tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai (số 128C/22 Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa đập phá một gian nhà.
Chỉ khi nhận được yêu cầu tạm dừng của UBND quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm, đơn vị này mới dừng việc phá dỡ vào vào sáng 10/2.
Quy hoạch một phần nhỏ, phá luôn cả ngôi nhà
Ngày 12/2, trong công văn mới nhất của UBND phương Đồng Tâm gửi đơn vị này khẳng định: “Công ty đã tự tiến hành phá dỡ gian đầu hồi dãy nhà 1 tầng mái ngói, khi chưa làm thủ tục bàn giao mặt bằng và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Cơ quan chức năng liên tiếp ra yêu cầu đơn vị quản lý dừng ngay việc phá dỡ, giữ nguyên hiện trạng công trình, bao gồm cả vật liệu do đơn vị tự ý phá dỡ. Đồng thời, đơn vị này phải có trách nhiệm quản lý mặt bằng, có biện pháp giải quyết các ảnh hưởng đối với công trình liền kề.
Theo ghi nhận của PV VTC News, tại công trình nhà 1 tầng của Trạm phát sóng Bạch Mai, UBND phường đặt tấm biển cấm, yêu cầu các tổ chức, cá nhân không tự ý phá dỡ và không đến gần để đảm bảo an toàn.
Tìm hiểu lý do tại sao đơn vị quản lý lại tự ý đập phá công trình, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa cho biết, họ không nhận được bất cứ văn bản chỉ đạo từ chính quyền địa phương về việc không được phép đập bỏ tòa nhà này. Đơn vị chỉ nhận được các văn bản trước đó, yêu cầu phải đập một gian nằm vào quy hoạch của dự án đường trên cao trước 31/12.
Tuy nhiên, theo văn bản số 847/SXD-QLN ra ngày 20/1/2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, liên quan đến điểm đất nêu trên, chỉ rõ: “Đối với trạm phát thanh 1 tầng (cách biệt thự cũ khoảng 200m), qua kiểm tra, liên ngành đánh giá đây là công trình kiến trúc được xây dựng trước năm 1954. Hiện UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc lập danh mục để bảo tồn, tôn tạo”.
Theo công văn này, Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa “đã nhận tiền đền bù, nhưng chưa bàn giao mặt bằng”. Như vậy, việc đơn vị quản lý không nắm được thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội là thiếu căn cứ.
Ông Đinh Đức Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho VTC News biết, đơn vị quản lý trên có trách nhiệm bàn giao mặt bằng và không được phép tự ý tháo dỡ. Tức là đơn vị này có nghĩa vụ bàn giao công trình cho Ban quản lý dự án, khi đó đơn vị phá dỡ mới đưa ra phương án phù hợp cho việc giải tỏa phần công trình nằm trong quy hoạch. Đồng thời, Ban quản lý dự án sẽ bảo đảm an toàn cho các công trình xung quanh.
“Họ đã làm sai theo yêu cầu của Ban quản lý dự án”, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong trường hợp phải giải tỏa mặt bằng, công trình nhà 1 tầng trên chỉ bị quy hoạch một góc nhỏ của gian đầu tiên. Song đơn vị quản lý lại cho phá dỡ hầu hết các gian phòng. Theo đó, ngôi nhà bị đập hoàn toàn gian đầu tiên, 4 gian còn lại thì 3 gian bị bóc mái ngói và lớp trần bằng bê tông cũng bị khoan thủng.
PV VTC News cố gắng liên lạc với lãnh đạo của Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa để làm rõ vấn đề này, song đại diện công ty cho biết, lãnh đạo hiện đi công tác dài ngày. PV liên lạc nhiều lần theo điện thoại cá nhân của lãnh đạo công ty cũng không có câu trả lời.
"Đặt lợi ích của đơn vị cao hơn lợi ích cộng đồng"
Theo Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam, việc đơn vị quản lý tự ý đập bỏ ngôi nhà cho thấy: "Họ đã đặt lợi ích của đơn vị cao hơn lợi ích cộng đồng". Và rõ rằng, những lợi ích kinh tế thu được là quá lớn cho chủ công trình, từ việc phá dỡ để xây nhà cao tầng.
Chia sẻ với VTC News, Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Tâm Đinh Đức Hiếu cho biết, hiện tại cơ quan chức năng đang lập biên bản về sai phạm “tự ý phá dỡ” trên của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hoá. Đồng thời xin ý kiến cấp trên về hình thức xử lý đối với đơn vị trên theo quy định pháp luật.
“Sau khi cụm công trình này được công nhận di tích lịch sử văn hóa, chính quyền địa phương sẽ cùng với đơn vị hữu quan thực hiện việc bảo tồn, trùng tu cụm công trình trạm phát sóng Bạch Mai”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo các nhà nghiên cứu và bảo tồn kiến trúc Việt Nam, việc đơn vị quản lý tự ý phá dỡ công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa tại số 128C/22 Đại La tạo ra tiền lệ xấu ngay giữa lòng Hà Nội.
Ngày nay khi xã hội càng hiện đại, công nghệ càng phát triển thì con người lại cần lưu giữ tốt hơn những di tích lịch sử, để làm giàu thêm những giá trị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là điều mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp đã làm được.
Cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai được xem là địa chỉ lịch sử, gắn với những dấu mốc đặc biệt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ non trẻ.
Tòa nhà 1 tầng này và biệt thự số 128C Đại La từng là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp (thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912).
Đây là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945. Đây cũng là nơi phát thanh viên Ngân Thanh, phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam, đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Là cụm công trình gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) qua nhiều thời kỳ, do đó vào những dịp kỷ niệm 50 năm (năm 1999) và 60 năm (năm 2009) thành lập, lãnh đạo VOV gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội có biện pháp bảo tồn di tích lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai.
Trước thông tin một số công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, tháng 12/2019, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ ký công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét bảo tồn công trình Trạm phát sóng Bạch Mai. Công văn này cũng được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để báo cáo.
Mới đây, vào ngày 10/2, đại diện UBND TP Hà Nội có buổi làm việc với đại diện Đài tiếng nói Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) về kiến nghị bảo tồn các công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai, mà các đơn vị này đã gửi đơn đến UBND TP Hà Nội vào tháng 12/2019.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với VOV, hoàn thiện hồ sơ di tích đối với tòa nhà một tầng trên, để công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Bình luận