Theo Anadolu Agency, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Stephane Dujarric hôm 1/6 xác nhận thư từ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu về việc đổi tên. Người phát ngôn nói yêu cầu có hiệu lực ngay lập tức và cho biết thêm “những yêu cầu như thế này không phải là hiếm”.
Chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdoğan từ tháng 12/2021 đã bắt đầu chiến dịch quốc tế nhằm đổi tên từ “Turkey” thành “Türkiye” (phát âm là tur-key-yay) như trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ tự gọi nước mình là Türkiye vào năm 1923, sau khi tuyên bố độc lập.
Trong chiến dịch đổi tên, Tổng thống Erdoğan chỉ thị thay dòng chữ “Made in Turkey” (Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ) trong hàng xuất khẩu thành “Made in Türkiye”. Các bộ ngành nước này cũng dùng tên mới trong các tài liệu chính thức.
Ông Erdoğan tuyên bố tên mới đại diện tốt hơn cho văn hóa và các giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng tung ra một video “quảng bá việc sử dụng tên Türkiye trong và ngoài nước cũng như tại các nền tảng quốc tế”.
Theo The Guardian, động thái được xem là nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thay đổi “nhận diện thương hiệu”, thoát khỏi cái tên giống với một loài chim trong tiếng Anh, cũng như những hàm ý tiêu cực liên quan. Tuy nhiên chưa rõ cái tên với một ký tự không có trong bảng chữ cái alphabet này có lan truyền được rộng rãi hay không.
Năm 2016, Cộng hòa Séc chính thức đăng ký tên dạng ngắn của nước mình là Czechia, nhưng tên Czech Republic vẫn được sử dụng nhiều. Các quốc gia khác đã đổi tên trong lịch sử gần đây bao gồm Bắc Macedonia, chính thức được gọi là Macedonia và Hà Lan, đã bỏ "Holland" và dùng "Netherlands".
Hiện đài tiếng Anh TRT của Thổ Nhĩ Kỳ đã đổi sang cách dùng "Türkiye", nhưng các nhà báo chưa quen thỉnh thoảng vẫn nói "Turkey".
Theo một bài viết năm 2021 của TRT World, khi tra từ khóa “turkey” trên công cụ tìm kiếm, kết quả thu được là “một loạt hình ảnh, bài báo, định nghĩa từ điển ‘bao gồm’ cả Thổ Nhĩ Kỳ với Meleagris – hay gà tây – một loài chim lớn bản địa ở Bắc Mỹ thường được dùng trong các bữa tiệc ngày Giáng sinh hay lễ Tạ ơn. Lật tìm trong từ điển Cambridge thì ‘turkey’ còn được định nghĩa là ‘thứ gì đó thất bại tồi tệ’ hoặc ‘một người ngốc nghếch’”.
Theo TRT World, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn nước họ được gọi là Türkiye hơn.
Tên tiếng Anh "Turkey" của Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc từ từ tiếng La-tinh thời Trung Cổ “Turcus”. Nó được cho có nghĩa là "sức mạnh".
Từ điển nguyên gốc trực tuyến (Online Etymology Dictionary) trong khi đó cho biết từ "turk" trong tiếng Ba Tư có thể có nghĩa là "thời thanh niên tươi đẹp", "một kẻ man rợ" hoặc "một tên cướp".
Bình luận