Như tin đã đưa, các nhà khoa học Nga vừa nghiên cứu thành công một loại thuốc có tác dụng đặc trị mọi bệnh ung thư ở bất kỳ giai đoạn nào. Loại thuốc mới này là có tên là “protein sốc nhiệt”.
Đây không phải là một loại protein mới mà chính là một phân tử đã có sẵn bởi sự sản sinh của các tế bào trên cơ thể có tác dụng phản ứng lại với các tác nhân từ bên ngoài.
Theo GS Simbirtsev, người trực tiếp tham gia vào công trình nghiên cứu, liệu trình điều trị bằng loại thuốc mới này có thể điều trị được hoàn toàn các khối u, kể cả những khối u ác tính đã tiến vào giai đoạn cuối.
Mặc dù sự phát hiện này đem đến một tin vui vô cùng lớn, đồng thời mở ra hy vọng tươi sáng cho hàng chục triệu người đang phải chung sống với căn bệnh này nhưng điều kỳ lạ là, truyền thông phương Tây khá thờ ơ với vấn đề này.
Không hề có một bài báo nào đưa tin về phát minh gây chấn động của Nga, kể cả những tờ báo lớn hay những báo lá cải – vốn rất hứng thú với những tin tức giật gân kiểu này.
Mặc dù GS Simbirtsev bày tỏ sự lạc quan vô cùng đối với việc phổ biến loại thuốc này ra thị trường trong 3 – 4 năm nữa, nhưng những động tĩnh từ phương Tây vẫn khá là… im ắng.
Chúng ta vẫn biết, Nga chưa phải là một quốc gia mạnh về nghiên cứu thuốc điều trị ung thư. Ngoài ra, ngành khoa học y dược Nga cũng chưa có nhiều những thành tựu đặc biệt trong lĩnh vực này so với thế giới và các nước phương Tây.
Việc Nga công bố những ưu điểm vượt trội trong phát minh thuốc chữa ung thư của mình liệu có phải là một cú sốc đối với nền khoa học y tế của phương Tây?
Trong bài phỏng vấn GS Simbirtsev, ông cũng nói rằng, loại thuốc này được sản xuất tại Viện khoa học ở St. Peterburg, do đó, giá thành của thuốc sẽ rẻ hơn so với thuốc sản xuất tại phương Tây, phù hợp với đông đảo các tầng lớp bệnh nhân, thể hiện ưu thế vô cùng nổi bật so với những loại thuốc khác của loại chế phẩm mới này
Câu hỏi đặt ra là, điều này liệu có bắt nguồn từ mối quan hệ vốn không được “êm đẹp” từ trước đến nay của Nga và các nước phương Tây, trong đó có Mỹ hay không? Rất khó để có thể kết luận như vậy. Tuy nhiên, có một số lý do có thể đưa ra để giải thích tại sao truyền thông Mỹ và các nước phương Tây lại không thực sự hứng thú lắm với nghiên cứu này của Nga.
Nếu để ý kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy, mặc dù là một nghiên cứu có thể gây chấn động toàn cầu nhưng khi nói đến những đánh giá về hiệu quả của chế phẩm mới này, ngoài ý kiến của GS Simbirtsev, người trực tiếp tham gia cuộc nghiên cứu, chưa hề có thêm một đánh giá chuyên môn nào khác.
Thông thường, từ trước đến nay, những nghiên cứu khoa học nếu muốn được công nhận thì phải được đăng trên một tạp chí khoa học quốc tế. Từ đó, giới khoa học mới có tư liệu để tiến hành phân tích và đánh giá hiệu quả của nó trên nhiều khía cạnh. Từ trước đến nay, những nghiên cứu về thuốc đặc trị ung thư không phải là vấn đề mới.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 4 liệu pháp điều trị ung thư ”kinh điển” được thừa nhận và chính thức đưa vào áp dụng cho các trường hợp bệnh đó là: Phẫu trị, hóa trị, xạ trị và nhắm trúng đích.
Đối với một nghiên cứu khoa học chưa được công bố chính thức, chưa được hội đồng chuyên môn đánh giá kết quả thì việc phương Tây “im ắng” có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, cần phải biết rằng, đánh giá được hiệu quả của một công trình nghiên cứu không phải là việc một sớm một chiều mà có thể mất từ 5 – 10 năm thì mới có thể đưa ra kết luận.
Nghiên cứu mới của Nga đem lại những tín hiệu tích cực bởi nó được thử nghiệm thành công trên chuột. Tuy nhiên, thử nghiệm thành công trên chuột không có nghĩa là nó sẽ có tác dụng với người. Thành công với 1 - 2 mẫu người cũng chưa chắc sẽ thành công với tất cả và không ai có thể lường trước được những tác dụng phụ lâu dài.
Thậm chí, nếu nghiên cứu thành công khi thử nghiệm trên người thì vẫn chưa thể đưa vào để áp dụng đại trà. Bởi một khi, sản phẩm được mang ra sử dụng rộng rãi thì nó phải có tính chính xác và phổ quát cao.
Video: Ngủ đông - Phương pháp điều trị ung thư cho tương lai
Hiện nay, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới vẫn đang tìm kiếm phương pháp điều trị ung thư hiệu quả và đã đưa ra nhiều phương pháp để chống lại căn bệnh chết người này.
Tháng 5 vừa qua, các nhà khoa học Anh cho biết, họ đã tạo ra một loại virus có khả năng diệt tế bào ung thư.
Vào tháng 1, các nhà nghiên cứu Australia nói rằng, họ đã thành công trong việc kiểm tra một loại protein mục tiêu nhằm giúp các tế bào bị ung thư sống sót.
Dù “im lặng” trước thông tin Nga nghiên cứu thành công chế phẩm đặc trị ung thư nhưng các nhà khoa học phương Tây vẫn không ngừng nỗ lực tìm ra các phương pháp tiêu diệt các khối u ác tính một cách hiệu quả. Còn kết quả như thế nào thì hãy để thời gian chứng minh!.
Tuy nhiên, dù sao chúng ta cũng nên hy vọng.
Bình luận