Trong thông báo mới nhất của mình, ThaiBev cho biết đã tái cơ cấu lại khoản vay của Beerco Limited (công ty con 100% thuộc sở hữu của ThaiBev) cho Công ty TNHH Vietnam Beverage.
Cụ thể, Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho Vietnam Beverage - doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 53,59% cổ phần của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco vào tháng 12/2017.
Trước khi thay đổi, Vietnam Beverage có vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng, do công ty CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Trong đợt tăng vốn lần này, Beerco đã góp thêm 111.209 tỷ đồng vào Vietnam Beverage, qua đó tăng vốn của doanh nghiệp này lên 111.890 tỷ đồng.
Khoản tiền tăng vốn lần này cũng chính là khoản vay mà Beerco đã cho Vietnam Beverage mượn để thanh toán tiền mua cổ phần. Sau đợt tăng vốn này, Vietnam Beverage đã chính thức từ doanh nghiệp nội trở thành doanh nghiệp nước ngoài khi tỷ lệ sở hữu trực tiếp của Beerco là 99,39%.
Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang sở hữu 9,76% cổ phần Sabeco. Nếu cộng thêm phần sở hữu của Vietnam Beverage thì tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại Sabeco hiện đã tăng lên 63,35%. Như vậy, Sabeco đã trở thành doanh nghiệp nước ngoài.
Nhìn lại quá trình bán cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước ở Sabeco có thể nhận ra rằng dù là Beerco hay Vietnam Beverage cũng đều chỉ là "con cờ" trong tay ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Tháng 12/2017, do bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 49% nên ThaiBev đã thành lập pháp nhân mới tại Việt Nam là Vietnam Beverage để tránh quy định về trần sở hữu nước ngoài. Sau đó, nhờ nguồn tài chính từ Thaibev, pháp nhân tại Việt Nam đã chi ra gần 5 tỷ USD, chính thức trở thành cổ đông chi phối hoạt động Sabeco với tỷ lệ sở hữu gần 54%.
Ngày 3/12/2018, Sabeco được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%, đây chính là cơ sở để ThaiBev tái cơ cấu khoản nợ của Vietnam Beverage.
Vậy lý do gì khiến tỷ phú Thái vội vã biến Sabeco thành công ty nước ngoài?
Video: Vì sao tỷ phú Thái sốt ruột tham gia Sabeco?
Theo báo cáo tài chính của Sabeco, 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là 3.482 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với lợi thế là thương hiệu và hơn 40% thị phần tiêu thụ bia, Sabeco hứa hẹn sẽ là một quân bài tẩy chiến lược giúp ThaiBev đạt mục tiêu 50% doanh thu ở nước ngoài đến năm 2020.
Bằng chứng là thời gian qua, những ông chủ Thái đã tăng cường quảng bá thương hiệu bia Sài Gòn, điển hình là việc quảng bá tại giải ngoại hạng Anh và chi đậm để quảng bá hình ảnh nhân sự kiện AFF Cup vừa qua.
Thế nhưng, dù đã gây được ấn tượng mạnh cho khách hàng, nhiều người vẫn cảm thấy hụt hẫng và lo lắng vì sợ sẽ mất đi một thương hiệu của người Việt.
Trước đó, Cục thuế TP.HCM đã ban hành quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco sau khi có ý kiến từ Văn phòng Chính phủ. Được biết, số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục thuế TP.HCM vẫn chưa thể cưỡng chế trích tiền nợ thuế của Sabeco vì các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp này đăng ký tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM đều không còn tiền.
Bình luận