• Zalo

Tại sao người vi phạm liên tục đấm thẳng mặt CSGT?

Pháp luậtThứ Bảy, 13/09/2014 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Thời gian gần đây thường xảy ra việc người vi phạm chống đối, thậm chí tấn công lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ ở TP.HCM

(VTC News) – Thời gian gần đây thường xảy ra việc người vi phạm chống đối, thậm chí tấn công lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ ở TP.HCM

Hàng loạt vụ tấn công CSGT

Ngày 13/9, cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hàng loạt bị can liên quan đến đến hành vi ‘Chống người thi hành công vụ’ trên địa bàn.

 Tổ công tác Đội CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Bình Thái - xa lộ Hà Nội

Khoảng 22h đêm 8/9, tổ công tác thuộc Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM) làm nhiệm vụ tuần tra tại giao lộ Bình Thái – xa lộ Hà Nội (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức).

Lúc này, tổ công tác phát hiện Hồ Xuân Quân (SN 1973, ngụ quận 2) điều khiến xe gắn máy chở Hồ Xuân Nam (SN 1975, quê tỉnh Phú Yên) có dấu hiệu sử dụng rượu bia nên yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính.

Khi tổ công tác đang tiến hành đo nồng độ cồn và lập biên bản thì Nam đứng cản đầu xe đặc chủng và chửi bới om sòm lực lượng đang làm nhiệm vụ. Riêng Quân đang đứng gần đó liền dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu trung úy Trần Ngọc Phương gây thương tích.

Trước sự hung hãn của hai đối tượng trên Đội CSGT Rạch Chiếc phải gọi điện cầu cứu lực lượng công an quận Thủ Đức đến khống chế đưa hai đối tượng về trụ sở giải quyết. 

Khoảng 21h50 đêm 9/9, tại giao lộ đường Bình Thái - xa lộ Hà Nội, Phường Trường Thọ, Quận Thủ Đức (TP. HCM), một tổ công tác khác của đội CSGT Rạch Chiếc đang làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn thì phát hiện Nguyễn Thị Trung Tâm (SN 1973, ngụ quận 9) điều khiển xe gắn máy có dấu hiệu sử dụng rượu bia nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. 

Trong lúc lập biên bản vi phạm, Tâm không chấp hành và dùng tay đánh vào mặt trung úy Trần Đình Nam làm rơi mũ bảo hiểm xuống đường. Tổ công tác hỗ trợ bắt giữ Tâm giao cho Công an Quận Thủ Đức xử lý.

Cách đó không lâu, đối tượng Lưu Vĩnh Toàn (giám đốc một DNTN ở quận 9) điều khiển xe máy trong tình trạng say xỉn nên bị tổ công tác thuộc đội CSGT quận Thủ Đức dừng xe kiểm tra hành chính và đo nồng độ cồn. Không những không chấp hành, Toàn còn gọi em ruột là Lưu Vĩnh Phú đến ‘xử’ lực lượng thi hành công vụ.

Ít phút sau Phú có mặt tại hiện trường cùng Toàn xông vào đánh hội đồng khiến thượng úy Huỳnh Diệp Tài bị thương. Hai đối tượng này sau đó bị Công an quận Thủ Đức bắt giữ và xử lý về hành vi ‘Chống người thi hành công vụ’.

Tại sao người vi phạm không chấp hành?

Thời gian gần đây nhiều người vi phạm không những không chấp hành luật giao thông mà còn lăng mạ, tấn công lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ trên địa bàn TP.HCM. Thậm chí, không ít trường hợp còn quay clip CSGT ‘ăn tiền’ và có những lời lẽ thiếu văn hóa với người vi phạm để tung lên các trang mạng xã hội gây bức xúc dư luận.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Văn phòng luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM 

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Văn phòng luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn luật sư TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng nhiều liên quan đến vấn đề trật tự an toàn giao thông. 

Thời gian gần đây, báo chí đưa tin phản ánh về một số trường hợp người vi phạm luật giao thông, khiếu nại về cách hành xử của một số CSGT chưa thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được giao. Các trang mạng xã hội cũng tung lên những đoạn clip phản ánh trường hợp CSGT ở một số nơi có những hành vi, cử chỉ hay lời nói sai qui định trong ngành.

Chính vì lí do đó mà hiện nay các đối tượng vi phạm luật giao thông cố tình lợi dụng và bắt chước clip đó để chống lại người thi hành công vụ khi bị xử phạt.

Luật sư Thảo cho biết theo thống kê thì đa số các trường hợp chống người thi hành công vụ, phần lớn đều trong tình trạng có men rượu. Khi đó với chất kích thích do men rượu tác động vào cơ thể sẽ làm cho người có tính khí rất nóng nảy, dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát về lý trí và mất kiểm soát hành vi.

Đối với hành vi chống người thi hành công, pháp luật đã có qui định cụ thể. Những hành vi như dùng vũ lực hay chỉ đe dọa dùng vũ lực để cản trở người đang thi hành công vụ đã cấu thành tội danh với khung hình phạt thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù. Còn nếu có thêm những hành vi như có tổ chức hay lôi kéo, xúi giục người khác phạm tội... thì khung hình phạt sẽ từ 2 - 7 năm tù.

"Theo tôi đối với khung hình phạt do pháp luật qui định hiện tương đối là phù hợp, vấn đề là người dân chưa hiểu và chưa biết những hành vi cản trở hay chống đối đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội  "Chống người thi hành công vụ" theo điều 257 BLHS. 

Chúng ta có thể khiếu nại, ý kiến hay phản đối những hành vi không đúng qui định của người thi hành công vụ nhưng những việc làm đó phải được tuân thủ trong phạm vi pháp luật cho phép", LS Thảo nói.

Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn