• Zalo

Tại sao cuộc gặp Tổng thống Biden - Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 đáng chú ý?

Tư liệuThứ Hai, 14/11/2022 12:17:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thế giới đổ dồn vào cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc vào cuối tuần này tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Indonesia.

“Quỹ đạo mối quan hệ hoàn toàn tích cực, và những lợi ích chung của cả hai nước là vô cùng to lớn”, ông Biden phát biểu năm 2011 trong chuyến thăm Bắc Kinh, trên cương vị Phó tổng thống, gặp Phó chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Tập Cận Bình.

Ngồi cạnh ông Tập cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ - Trung trong một khách sạn tại Bắc Kinh, ông Biden nói về “sự lạc quan với 30 năm tới” của mối quan hệ song phương, ca ngợi ông Tập vì “sự thẳng thắn”.

“Chỉ có bạn bè và những người cùng giá trị mới có thể đối đãi với nhau bằng sự thẳng thắn và trung thực”, ông nói.

Tại sao cuộc gặp Tổng thống Biden - Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 đáng chú ý? - 1

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2011. (Ảnh: Reuters)

Ngày 14/11/2022, hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau trong một cuộc trao đổi trung thực khác ở Bali, Indonesia, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Nhưng theo các chuyên gia, không khí cuộc gặp có thể sẽ không ấm áp như địa điểm này.

Thay vì sự tích cực và lạc quan 10 năm trước, giữa hai bên giờ có những nghi ngại và cạnh tranh nhất định. Khi ông Biden quay lại Nhà Trắng với vai trò Tổng thống, mối quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ - căng thẳng bao trùm nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ đến địa chính trị và tư tưởng.

Thời điểm quan trọng

Cuộc gặp sắp diễn ra sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden và ông Tập từ khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức – và diễn ra ở một trong những thời điểm quan trọng với cả hai nhà lãnh đạo. Trung Quốc vừa kết thúc đại hội Đảng với những kế hoạch lớn được vạch ra cho nước này trong giai đoạn sắp tới. Trong khi đó Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với kết quả khá tích cực dành cho đảng Dân chủ của Tổng thống Biden, khi họ bảo vệ được thế đa số tại Thượng viện.

Trả lời câu hỏi rằng liệu kết quả này có giúp ông tiến đến cuộc gặp với nhiều sức mạnh hơn, ông Biden khẳng định: “Tôi biết mình sẽ có điều đó”.

Trong cuộc gặp được mong đợi này, nhiều vấn đề có ảnh hưởng lớn sẽ được đặt ra. Khi thế giới vẫn đang phải ứng phó với căng thẳng từ chiến sự Ukraine, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, hơn lúc nào hết, hai cường quốc toàn cầu cần làm việc cùng nhau để góp phần duy trì sự ổn định, thay vì làm gia tăng căng thẳng trên các phương diện địa chính trị.

Dù vậy, theo các chuyên gia, những kỳ vọng dành cho cuộc gặp chưa nhiều. Mỹ và Trung Quốc bất đồng về nhiều vấn đề từ chiến sự Ukraine, chuyển giao công nghệ, Triều Tiên, Đài Loan đến việc định hình trật tự quốc tế, trong hoàn cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng. Có lẽ một trong những điểm chung của hai bên khi bước vào cuộc gặp là họ đều hiểu rõ mức kỳ vọng này.

Hôm 10/11, một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói Tổng thống Biden muốn sử dụng những cuộc trao đổi sắp tới với Trung Quốc để “xây dựng nền tảng” cho mối quan hệ - hay nói cách khác, để ngăn chặn thêm mâu thuẫn lớn hơn. Theo vị quan chức Mỹ, mục tiêu chính khi hai bên ngồi lại với nhau sẽ không phải là đạt được các thỏa thuận hay thành tích nào đó (sau cuộc gặp sẽ không có tuyên bố chung), mà để có hiểu biết sâu sắc hơn với ưu tiên của mỗi bên và giảm thiểu hiểu lầm.

Cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan cũng tái khẳng định thông điệp hôm 12/11, khi tiếp xúc với báo chí trên chiếc Không lực Một. Ông Sullivan nói cuộc gặp không nhiều khả năng đạt được đột phá lớn hay tạo ra chuyển biến đáng kể trong mối quan hệ.

Ở Bắc Kinh, những kỳ vọng về việc “làm mới” mối quan hệ với Washington cũng ở mức khiêm tốn tương tự. Giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc Shi Yinhong nói, sẽ là “mong đợi quá mức” nếu tin rằng cuộc gặp có thể dẫn đến bất cứ cải thiện đáng kể, hay có tác động lâu dài nào trong quan hệ song phương.

“Xem xét việc Trung Quốc và Mỹ đang ở tình trạng gần mức đối đầu và cạnh tranh tổng thể, không nhiều khả năng hai bên có thể thực sự làm rõ được với nhau về các vấn đề lớn”, giáo sư Shi nói.

Mỗi bên đều đang đổ lỗi cho bên kia về tình trạng của mối quan hệ, đều nghĩ họ đang có ưu thế và đối phương sẽ khó thay đổi. Tại trung tâm của những khác biệt sẽ là việc họ nhìn nhận mục tiêu của nhau như thế nào, và việc các mục tiêu này ảnh hưởng đến lợi ích của chính họ như thế nào, theo các chuyên gia.

Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng việc hai nhà lãnh đạo gặp trực tiếp là một tiến triển tích cực. Mở cửa đối thoại rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lệch.

Những lằn ranh đỏ

Hôm 9/11, ông Biden nói muốn trong cuộc gặp với ông Tập sẽ “đặt ra lằn ranh đỏ của mỗi bên”, nhưng theo các chuyên gia, các giới hạn này thực tế có thể chưa được rõ ràng như vậy.

“Tôi rất muốn được nghe xem cuộc trò chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào, vì tôi không nghĩ rằng Mỹ hay Trung Quốc đã chỉ ra chính xác lằn ranh đỏ của họ. Và tôi cũng không nghĩ rằng cả hai bên đã đủ rõ ràng về những gì tích cực mà phía bên kia sẽ nhận được từ việc chấp thuận lằn ranh đỏ đó”, cố vấn cấp cao về kinh tế Trung Quốc Scott Kennedy, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Washington nói.

Một trong những vấn đề nổi bật được dự đoán trong chương trình nghị sự ở G20 sẽ là Đài Loan, bên cạnh đó là Ukraine và các lĩnh vực khác mà Mỹ muốn có thể hợp tác với Trung Quốc để giải quyết như tình hình bán đảo Triều Tiên và biến đổi khí hậu.

Mối quan hệ cá nhân

Trong một thập kỷ, ông Biden và ông Tập đã có nhiều cuộc gặp, từ chuyến thăm của ông Biden đến Trung Quốc năm 2011, chuyến thăm của ông Tập đến Mỹ năm 2012 hay các cuộc gặp trực tiếp vào năm 2015.

Cùng với mối quan hệ song phương, mối quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo cũng có những thay đổi. Hè năm ngoái, ông Biden thẳng thắn từ chối việc được mô tả như “người bạn cũ” của ông Tập. “Hãy nói thẳng như thế này. Chúng tôi rất hiểu nhau, nhưng chúng tôi không phải là bạn cũ. Chỉ là thuần túy công việc thôi”, ông nói.

Khi những khác biệt nảy sinh thêm, hai bên sẽ cần nhiều cuộc thảo luận hơn từ cả hai chính phủ, theo ông Kennedy. “Các cuộc trò chuyện bên lề một hội nghị thượng đỉnh đa phương vẫn chưa đủ để bàn luận toàn bộ các vấn đề chính mà hai bên đang phải đối mặt. Hy vọng rằng hai bên sẽ có thể có các cuộc thảo luận sâu hơn về những vấn đề này, ở cả các bộ phận khác của hai chính phủ”, ông nói. 

Phương Anh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn