Câu chuyện về văn hóa ứng xử nơi công cộng ngày càng được quan tâm và đề cập đến, nhưng không may thay, những gì chúng ta nhìn thấy phần lớn là những điều chưa hay, chưa đẹp. Tuy nhiên, tôi cho rằng phản ứng từ phía dư luận lại càng đáng bận lòng hơn.
Gần đây, vụ việc một nữ ca sĩ nổi tiếng cho con tiểu tiện ngay tại chỗ ngồi trên máy bay đang thu hút làn sóng dư luận. Người ta nhìn thấy tấm hình của chị kèm lời bình úp mở từ trang cá nhân trên mạng xã hội và hàng nghìn lượt share, bình luận mà phần lớn là chỉ trích, mang sự tình đi quá xa so với khởi điểm. Khi mới đọc dòng tít giật to đùng, chắc hẳn ai cũng nhíu mày phản cảm với nữ ca sĩ này, là người nổi tiếng mà không biết giữ gìn hình ảnh gì cả. Tuy nhiên lướt xuống xem bình luận, tôi lại thấy những lời lên án hết sức nặng nề, thậm chí chỉ là vài con chữ trớt quớt.
Khi nói về đặc điểm của người Việt mình, cụ Trần Trọng Kim viết: “…hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt và hay bài bác, chế nhạo”. Dù rất yêu nhân dân đất nước, nhưng ngẫm lại cũng thấy đúng.
Việc lên án và phê bình thói hư tật xấu là điều cần thiết, nhưng nó khác với việc bài xích, chế nhạo khi chưa tỏ tường sự việc. Người ta đứng ngoài lề chỉ trỏ với góc nhìn phiến diện, nói lời gây tổn thương như việc quá hiển nhiên, sử dụng ngôn ngữ như lưỡi dao sắc bén để ép bức đối phương trở thành kẻ không ra gì chỉ bởi sự sơ suất và vội vàng đánh giá người trong cuộc chỉ bằng một hành động chưa rõ nguyên nhân, thời điểm.
Cho đến khi nữ ca sĩ không chịu nổi áp lực từ dư luận thêm nữa mới lên tiếng trần tình về hành động không đẹp của mình. Chẳng là khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, con trai chị đột nhiên đòi đi vệ sinh. Không thể đưa con tới toilet trong hoàn cảnh đó, chị bất đắc dĩ phải sử dụng túi nôn lồng vào nhau để giải quyết vấn đề. Tuy rằng cách này gây mất mỹ quan và vi phạm quy định của hãng hàng không, nhưng xét cho cùng, chị cũng đã nhận hình phạt hành chính cho hành vi này rồi. Có thể, ngoài cách giải quyết đó sẽ có nhiều phương án khác hợp lý hơn, nhưng đôi khi ở thời điểm gấp rút, con người ta thường nghĩ đến cách nhanh gọn nhất mà chẳng lường trước được hệ quả sau này. Chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu hành khách ngồi phía trước chị không chụp ảnh lại và không có thái độ rõ ràng trên trang cá nhân, kéo theo hàng loạt ý kiến trái chiều. Dù là vô ý, một vài cá nhân lên tiếng chẳng ảnh hưởng gì tới ai, nhưng hàng trăm hàng nghìn người lên tiếng lại trở thành chuyện khác. Hiện tại, vụ việc đã có mặt trên báo chí nước Mỹ, hình ảnh của nữ ca sĩ nói riêng và toàn thể người Việt nói chung hiển nhiên thấp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, thứ góp phần mang điều tiếng xấu ra khỏi biên giới Việt Nam không phải là hành vi của một người, mà chính là dư luận trong nước đã làm rùm beng khi chưa có sự xác thực. Nó sẽ gây xáo trộn tinh thần, danh dự và cuộc sống thường nhật của người bị công kích theo chiều hướng tồi tệ đi.
Trên thế giới và cả trong nước, khi ta lật lại những sự kiện lớn, đã có rất nhiều trường hợp người nổi tiếng bị áp lực dư luận đè nén dẫn đến tình trạng trầm cảm rồi tự kết liễu cuộc đời; bỏ lại gia đình, bạn bè và con thơ. Còn những kẻ góp phần tạo nên tấn bi kịch đó lại chẳng mảy may biết rằng một lời nói vu vơ của họ có thể thay đổi số phận của một con người. Rõ ràng chúng ta đều hiểu sức mạnh tiếng nói của cộng đồng, nhưng lại sử dụng không đúng lúc đúng chỗ, không ý thức sức nặng của ngôn luận mà dùng bừa bãi. Tục ngữ có câu: “Không có gì độc bằng cái lưỡi” hay “Vạ từ miệng mà ra” quả không sai. Lời nói là con dao hai lưỡi, bạn sử dụng chúng để bảo vệ hay để thủ ác, tùy thuộc vào nhận thức của bạn.
Tôi có nhớ một câu châm ngôn như thế này: “Một lượng nhỏ lời khen đáng giá bằng cả mớ khinh miệt. Một giọt khuyến khích có ích hơn cả gàu bi quan. Một chén lòng tốt tốt hơn cả tủ phê phán”. Thế nhưng phần lớn, chỉ một câu thẳng thắn, chân tình người ta cũng lười nói. Nhìn những người xung quanh, vì lí do này hay lí do khác, hững hờ rời xa nhau như thế, chẳng liên quan gì đến mình, nhưng tôi vẫn hẫng hụt. Có thể do tôi đa cảm, dẫu sao, niềm vui có sức lan tỏa thì thất vọng, buồn bã cũng vậy thôi. Chính vì vậy, một số người chọn cách im lặng, trốn trong cái vỏ ốc, quan tâm những người yêu thương mình và bỏ qua một số bận lòng. Sống vô tư một chút, đơn giản và bình lặng. "Thanh giả tự thanh, tục giả tự tục".
Chúng ta ai cũng mắc phải sai phạm trong đời, lớn có, nhỏ có nhưng không có nghĩa bản thân ta là một sai lầm. Những lúc rơi vào tình trạng bế tắc như vậy, chúng ta đều mong nghe được lời cảm thông, động viên ta đứng dậy, đi tiếp hoặc làm lại từ đầu hơn là chỉ trích khiến tâm trạng đi xuống. Đối với người lạ là thế, ngay cả với người thân cũng không ngoại lệ. Đến tử tù còn được đối đãi tử tế trước khi chết, vậy tại sao chúng ta không thể tử tế với nhau hơn?
Lam Dung
Bình luận