Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã rút đi ở hầu hết các điểm biên giới sau một loạt các cuộc đàm phán giữa New Delhi và Bắc Kinh, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.
"Hiện tại hai bên đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp chỉ huy lần thứ 5 để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trên mặt đất", ông Uông nói. "Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ sẽ hướng tới cùng mục tiêu với Trung Quốc, thực hiện những gì hai bên đồng thuận và cùng nhau duy trì hòa bình và yên ổn dọc biên giới".
Trước đó, New Delhi đã tuyên bố vào ngày 24/7 rằng Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý "rút sớm và hoàn toàn" dọc theo Đường kiểm soát thực tế ở Ladakh sau những cuộc giao tranh chết chóc vào giữa tháng 6, làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Xung đột Ladakh và hạn chế thương mại
Suvam Pal, một tác giả và chuyên gia truyền thông Ấn Độ tại Bắc Kinh, cho biết: "Thật đáng tiếc cho những gì đã xảy ra vào ngày 15/6/2020. Tôi sẽ không suy đoán lỗi đó là của ai, không ai trong chúng ta thực sự biết". Ông thừa nhận rằng xung đột đã làm tổn thương quan hệ song phương. Sự cố chết người này, lần đầu tiên sau gần 40 năm, trùng với kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Sau căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, New Delhi hôm 29/6 đã cấm hàng chục ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm TikTok, Weibo và WeChat, theo Mục 69A của Đạo luật Công nghệ thông tin. Vào ngày 27/7, Ấn Độ cấm thêm 47 ứng dụng Trung Quốc cho phép truy cập vào các sản phẩm phần mềm bị cấm trước đó.
Theo chính phủ Ấn Độ, các ứng dụng đang tham gia vào các hoạt động "làm phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng, an ninh nhà nước và trật tự công cộng". Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tín hiệu rằng Bắc Kinh "quan ngại mạnh mẽ" về lệnh cấm.
Bên cạnh đó, chính quyền Ấn Độ đã cấm các nhà mạng nhà nước mua lại thiết bị từ hai gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE. Trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, Economic Times cho biết Huawei đã "cắt giảm mục tiêu doanh thu tại Ấn Độ đến năm 2020 tới 50% và sa thải 60-70% nhân viên, trừ những người làm nghiên cứu và phát triển và làm trong Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu".
Suvam Pal cho rằng lệnh cấm đối với các ứng dụng của Trung Quốc ở Ấn Độ phần lớn mang tính biểu tượng, vì nhiều người Ấn Độ thậm chí không sử dụng chúng. Trong khi đó Bắc Kinh đã cấm hầu hết các ứng dụng của Mỹ trên đại lục.
Mấu chốt của vấn đề là những hạn chế nói trên đáp ứng nguyện vọng của cử tri của Thủ tướng Narendra Modi, và các nhóm chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, tác giả cho biết. "Tôi không tin vào logic của một số bộ phận những người theo chủ nghĩa dân tộc của đảng cầm quyền Ấn Độ, những người tin rằng đánh bại Trung Quốc thực sự có thể khiến bạn có vai trò toàn cầu mạnh mẽ", tác giả nói.
"Bạn không thể cô lập Trung Quốc trong thế giới ngày nay. Trung Quốc cũng không thể cô lập Ấn Độ vì cả hai đều có lịch sử lâu dài về quan hệ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ cần phải làm dịu lập trường của mình: người ta không thể tẩy chay Trung Quốc. Các nước cần đưa ra giải pháp đôi bên cùng có lợi. Một trò chơi tổng bằng không sẽ không giúp được ai".
Dù hai nước láng giềng có thể áp đặt hạn chế cho nhau, họ vẫn bị ràng buộc chặt chẽ bởi quan hệ thương mại, chính trị và lịch sử chung, Pal tin tưởng. Ông lưu ý rằng bất kể căng thẳng sôi sục, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không "chọc mũi" vào các vấn đề khác của nhau, như New Delhi im lặng trước các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không muốn cố gắng thay thế người khác, ông nhấn mạnh.
"Lập trường gây hấn không cần thiết và những tuyên bố khiêu khích vô dụng từ cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho quá trình hòa giải và sẽ luôn phản tác dụng", Pal cảnh báo.
Chiến lược của Ấn Độ trong thế giới đa cực
Trong khi đó, tạp chí tin tức hàng tuần India Today đặt ra câu hỏi liệu New Delhi có nên tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông để "kiềm chế Trung Quốc ở Ladakh" hay không.
"Mặc dù Ấn Độ vẫn cho rằng Biển Đông là một khu vực hàng hải trung lập, bên cạnh các giới hạn chủ quyền của các quốc gia duyên hải, nhưng họ đã không có lập trường mạnh mẽ chống lại các nỗ lực bắt nạt của Trung Quốc", cộng tác viên tạp chí Prabhash K. Dutta nói, nhấn mạnh rằng Mỹ và một số nước ASEAN muốn New Delhi áp dụng một lập trường quyết đoán hơn trong khu vực.
Washington, vừa tuyên bố các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông vô hiệu vào đầu tháng này, từ lâu đã cố gắng có được sự ủng hộ của Ấn Độ. Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm Châu Á năm 2018 (ARIA) của ông Donald Trump đặc biệt dự tính việc tăng cường và mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ.
Thứ Hai tuần trước (20/7), một nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ do USS Nimitz dẫn đầu đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự với các tàu chiến Ấn Độ ngoài khơi quần đảo Andaman và Nicobar giữa căng thẳng biên giới Trung-Ấn.
New Delhi cũng đang tham gia diễn đàn Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD), một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ được một số nhà quan sát coi là một liên minh "chống Trung Quốc".
Tuy nhiên, Suvam Pal nhấn mạnh rằng Ấn Độ vẫn cam kết mạnh mẽ với chiến lược không liên kết. Điều này không có nghĩa là Ấn Độ không thể duy trì quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác. Đơn cử như việc họ vẫn tham gia QUAD, cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ và mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Nga gần đây.
"Đây không còn là Chiến tranh Lạnh nữa", Pal nhận xét. "Bạn có thể có các liên minh chiến lược với EU, các lực lượng NATO, các quốc gia vùng Vịnh hoặc Liên minh châu Phi. Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã là đồng minh trong BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Có nhiều liên minh khác nhau tùy thuộc vào sự lựa chọn của một người. Đây là thế giới đa cực."
Khi các chính trị gia Mỹ cánh tả và cánh hữu đang kêu gọi kiềm chế Trung Quốc, truyền thông Mỹ cho rằng Ấn Độ có thể trở thành một "bức tường có thể chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy", với cuộc xung đột biên giới Ladakh nổi lên như một cơ hội cho quan hệ Mỹ-Ấn. Nhưng Washington chủ yếu hiểu sai về New Delhi nếu cho rằng Ấn Độ có thể được sử dụng như một công cụ địa chính trị chống lại Trung Quốc, Pal nhấn mạnh.
"Mỹ đang xem xét lợi ích của họ và đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ có lập trường mạnh mẽ chống lại Trung Quốc nhưng Narendra Modi không phải là một chính trị gia có thể bị lôi kéo", ông nói. "Ông biết rất rõ về Trung Quốc: ông đã đến thăm Trung Quốc kể từ khi còn là một bộ trưởng. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao của Modi, Subrahmanyam Jaishankar, là một đại sứ tại Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc và hiểu biết về Trung Quốc hơn nhiều người".
Theo nhà báo, những điều cơ bản trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là "rắn như đá" và không thể đảo ngược chỉ sau một đêm. "Vì vậy, tôi không nghĩ rằng chính sách Trung Quốc của Ấn Độ sẽ trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ", ông kết luận.
Bình luận