Trong năm 2020, tỷ phú Elon Musk là người thắng đậm nhờ vào giá cổ phiếu tăng bất ngờ của hãng xe điện Tesla và SpaceX.
Theo dữ liệu của Forbes, Musk là tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất trong năm nay, ước tính khối tài sản tăng thêm 110,3 tỷ USD. Hiện Elon Musk sở hữu xấp xỉ 136,9 tỷ USD, trong đó cổ phần của ông tại công ty du hành không gian SpaceX chiếm khoảng 20 tỷ USD. Khối tài sản khổng lồ cũng giúp vị tỷ phú vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới.
Tỷ phú Jeff Bezos - người giàu nhất hành tinh - chứng kiến khối tài sản tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử trong giai đoạn đại dịch. Ước tính, khối tài sản của ông tăng thêm 67,5 tỷ USD, nâng tổng tài sản của vị tỷ phú lên 182,2 tỷ USD. Ông Bezos nắm giữ 11,1% cổ phần tại gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, công ty có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 1.500 tỷ USD.
Tỷ phú Trung Quốc Zhong Shan Shan tạo ra bước ngoặt trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới khi bất ngờ thăng hạng đáng kinh ngạc nhờ hai đợt phát hành cổ phiếu thành công. Cổ phiếu công ty nước đóng chai Nongfu Spring của ông đã tăng gần gấp đôi kể từ khi IPO.
Theo Forbes, công ty của ông Zhong chiếm khoảng 1/5 thị trường nước đóng chai của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng điều hành công ty vaccine Beijing Wantai Biological Pharmacy. Tính đến ngày 11/12, giá cổ phiếu công ty dược tăng gấp 15 lần giá IPO. Sự thành công của hai đợt IPO giúp mang về cho ông Zhong 60,5 tỷ USD, nâng tổng tài sản của vị tỷ phú đạt 62,5 tỷ USD.
Tỷ phú Mỹ Dan Gilbert kiếm thêm 37,1 tỷ USD trong năm nay nhờ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của công ty cho vay trực tuyến Quicken Loan. Ông Dan Gilbert sở hữu 95% của Rocket Companies, công ty mẹ của Quicken Loan, tương đương 41 tỷ USD. Với tổng tài sản hiện tại là 43,9 tỷ USD, khối tài sản của tỷ phú đã tăng gấp 6 lần so với hồi đầu năm.
Ngay cả trong một năm lộn xộn đối với các mặt hàng thời trang xa xỉ, tài sản của ông hoàng thời trang Pháp Bernard Arnault vẫn tăng hơn 30%. Đế chế LVMH công bố doanh số bán hàng xa xỉ nhìn chung giảm, nhưng doanh số bán túi xách Louis Vuitton và Dior lại tăng mạnh, đặc biệt ở các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc. Với khối tài sản 146,3 tỷ USD, ông hoàng thời trang Pháp giữ vị trí người giàu thứ hai thế giới hiện nay.
Bên cạnh nhiều tỷ phú thắng đậm trong năm 2020, một số tỷ phú chứng kiến tài sản đi xuống bởi những khó khăn của thị trường. Tỷ phú Carlos Slim Helú và gia đình quản lý América Móvil, công ty viễn thông lớn nhất ở Mỹ Latin, ghi nhận thua lỗ xấp xỉ 5 tỷ USD.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của công ty tương đối ổn định trong thời kỳ đại dịch, giá trị tài sản ròng của ông Slim sụt giảm theo giá trị của đồng peso Mexico. So với USD, đồng peso giảm tới 26% hồi cuối tháng 3.
Theo Forbes, sau khi sụt giảm 5 tỷ USD, vị tỷ phú còn nắm giữ khoảng 58,2 tỷ USD. Ông vẫn là người giàu nhất Mexico.
Tỷ phú Mỹ Sheldon Adelson cũng mất khoảng 5 tỷ USD trong năm kinh doanh khó khăn 2020. Tài sản của ông trùm sòng bạc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự khó khăn của ngành công nghiệp cờ bạc.
Dù du lịch trong nước tăng nhẹ trong mùa hè, doanh thu của Las Vegas Sands - công ty của ông Adelson giảm đến 82% trong quý thứ III so với cùng kỳ năm trước. Mất 5 tỷ USD cũng làm khối tài sản vị tỷ phú đang nắm giữ sụt giảm còn 35,1 tỷ USD.
Ngành công viên giải trí mà tỷ phú người Trung Quốc Sun Hongbin theo đuổi đối mặt với một năm kinh doanh ảm đạm khi các lệnh hạn chế tụ tập kéo dài. Giá cổ phiếu Sunac China Holdings, công ty bất động sản do ông Sun Hongbin sáng lập và giữ chức chủ tịch, giảm gần 40% trong năm, quét sạch hơn 1/3 tài sản ròng của vị tỷ phú.
Theo Forbes, ông Sun Hongbin mất 4,8 tỷ USD, còn sở hữu 8,1 tỷ USD.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn là Chủ tịch tập đoàn Evergrande, một trong những đơn vị phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Trong báo cáo thu nhập giữa năm, Evergrande tiết lộ đang nợ 128 tỷ USD (835,5 tỷ NDT) vì chi tiêu mạnh tay vào việc mở rộng quỹ đất và xây dựng đơn vị sản xuất ô tô điện. Tính đến ngày 11/12, cổ phiếu của công ty mẹ Evergrande giảm gần 22% trong năm nay.
Ông Hứa mất 4,6 tỷ USD trong năm 2020, tiếp tục sở hữu khối tài sản ròng trị giá 27,2 tỷ USD.
Tỷ phú Harold Hamm là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu Continental Resources. Trong năm dầu chứng kiến cú sốc giá giảm mạnh hồi tháng 3 và ngành dầu gánh chịu ảnh hưởng nặng nề vì các lệnh đóng cửa, ông Hamm mất hơn 43% tài sản. Cổ phiếu của Continental Resources đã giảm 45% kể từ đầu năm nay.
Hiện tại, ông Hamm sở hữu 5,6 tỷ USD, sau khi mất 4,3 tỷ USD chỉ trong một năm.
Bình luận