• Zalo

Tài sản tăng 32.835 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất VN

Kinh tếThứ Bảy, 31/12/2016 08:03:00 +07:00Google News

Sau khi tài sản tăng Tài sản tăng 32.835 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC đã trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm 2016, Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có biến động rất lớn. Ngoài việc, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai rớt khỏi Top 10, sự kiện quan trọng nhất chính là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC vượt qua ông Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau 1 năm giao dịch, dù cổ phiếu FLC không giữ được đà tăng nhưng nhờ “tân binh” ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros, ông Trịnh Văn Quyết đã vươn lên vị trí số 1 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Chào sàn ngày 1/9/2016, ngay lập tức, cổ phiếu ROS đã gây ấn tượng khi tăng trần, tăng 20% lên 12.600 đồng/CP. Sau đó, ROS đã trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam khi tăng phi mã.

trinh van quyet 1

Một trong những sự kiện được quan tâm nhất 2016 là ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu sàn chứng khoán Việt Nam.

Chỉ sau 4 tháng giao dịch, chốt phiên 30/12/2016, ROS vươn lên 114.700 đồng/CP sau khi tăng 102.100 đồng/CP, tương ứng 810 lần so với ngày chào sàn. Cổ phiếu ROS “leo thang” đã giúp tài sản của ông Quyết vươn lên mạnh mẽ.

Sau 4 tháng, giá trị cổ phiếu ROS do ông Quyết nắm giữ tăng 29.564 tỷ đồng lên 33.213 tỷ đồng. Cộng thêm 594 tỷ đồng giá trị cổ phiếu FLC, chốt phiên cuối năm, giá trị tài sản của ông Quyết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 33.807 tỷ đồng.

Năm 2015, với tổng tài sản trị giá 972 tỷ đồng, ông Quyết chỉ đứng ở vị trí thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ngay sau ông Trầm Trọng Ngân, con trai của đại gia ngân hàng Trầm Bê.

Nhưng sau 1 năm, với việc tài sản tăng 32.835 tỷ đồng, tương ứng 338%, ông Trịnh Văn Quyết đã vượt qua ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Điều đó có nghĩa ông Vượng đã rớt xuống vị trí thứ 2 dù cổ phiếu cũng ghi nhận đà tăng trưởng khá. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016, VIC dừng ở mức 42.000 đồng/CP sau khi tăng 8.390 đồng/CP, tương ứng 25%. Đây không phải đà tăng thấp vì trong năm 2016, Vingroup đã phát hành thêm lượng cổ phiếu rất lớn.

Sau 1 năm, tài sản của ông Vượng tăng 6.075 tỷ đồng lên 30.410 tỷ đồng. Hiện tại, tài sản của ông Vượng thấp hơn của ông Quyết 3.397 tỷ đồng. Đây là khoảng cách không quá lớn và có thể san bằng sau vài phiên giao dịch.

Đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát khiêm tốn hơn rất nhiều so với ông Quyết và ông Vượng.

Trong ngày cuối cùng của năm 2016, giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ “chỉ” là 9.147 tỷ đồng, thấp hơn tài sản của ông Vượng tới 21.263 tỷ đồng. Vì vậy, khả năng ông Long có thể soán ngôi ông Vượng là điều không tưởng.

Trong năm 2016, tài sản của ông Long đã tăng khi cổ phiếu HPG tăng 18.540 đồng/CP, tương ứng 75% lên 43.150 đồng. Cùng với nhiều cổ phiếu ngành thép khác, HPG đã có 1 năm rất thành công với nhiều đợt sóng lớn. Nhờ đó, HPG giúp tài sản của ông Long có thêm 3.930 tỷ đồng.

Bùi Thành Nhơn và Novaland là những cái tên “nóng” nhất ở thời điểm năm 2016 sắp kết thúc. Ngày 28/12, cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Trong ngày chào sàn, NVL đã tăng trần ấn tượng.

Sau 3 phiên giao dịch, NVL chốt năm 2016 ở mức 61.000 đồng/CP. Nhờ vậy, từ một người vô danh trong làng tỷ phú giàu nhất Việt Nam, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland đã lọt vào vị trí giàu thứ 4 với khối tài sản lên đến 7.584 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, Bùi Cao Quân Nhật, con trai ông Nhơn cũng vươn lên vị trí 13.

Trong khi đó, bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng và là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup dù vẫn giữ được ngôi vị người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng trong Top 10 người giàu nhất, bà Hương đã rớt từ vị trí thứ 3 của năm 2015 xuống vị trí 5.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng là cái tên nóng trong năm 2016 khi cổ phiếu MWG tăng phi mã. Đóng cửa phiên giao dịch 30/12, MWG dừng ở mức 156.000 đồng/CP, sau khi tăng 79.000 đồng//CP, tương ứng 103%.

MWG giúp tài sản của ông Tài tăng 1.817 tỷ đồng lên 3.588 tỷ đồng. Nhờ đó, ông Tài vươn lên vị trí thứ 6, tăng 1 bậc so với năm 2015.

Đứng ở vị trí thứ 7, 8 và 9 là 3 nữ tướng Phạm Thúy Hằng, Vũ Thị Hiền và Trương Thị Lệ Khanh. “Chốt” Top 10 là ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS).

Năm qua, dù cổ phiếu HHS giảm sâu nhưng do TCH niêm yết và tăng đáng kể nên tài sản của ông Hạ vọt lên 2.571 tỷ đồng.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn