Những đường ngang "3 không”
Có rất nhiều những tuyến đường ngang dân sinh kiểu “3 không” hoặc “2 không” đang tồn tại trên dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế. Những cái không đó là không rào chắn, barie, không tín hiệu, biển báo và không có người gác chắn.
Theo ghi nhận nhận PV VTC News, chỉ tính riêng thành phố Huế - nơi có khoảng 10 km tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy ngang thì có đến gần 30 đường ngang dân sinh.
Video: Người dân nói gì về những tuyến đường ngang dân sinh "3 không" hoặc "2 không" ở Huế?
Trong đó, có nhiều tuyến đường ngang tồn tại theo kiểu “3 không” hoặc “2 không”. Một số tuyến đường ngang dân sinh mặc dù to rộng, đông người, phương tiện tham gia giao thông đi lại nhưng bị che mất tầm nhìn.
Nhiều đoạn giao cắt không có rào chắn, barie, chuông báo, đèn tín hiệu hay những cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Lê Phú Hoan (Sn 1966, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa đi qua đường ngang dân sinh dừng lại cho biết: “Những đoạn đường sắt dân sinh này rất nguy hiểm, người đi đông lại không có rào chắn. Nhiều người đôi lúc đi ngang đoạn đường này không chú ý đến tàu, cố ý vượt và đã xảy ra những tai nạn thảm khốc.
Còn anh Hoàng Nghĩa Trọng (Sn 1970, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp để hạn chế tai nạn tại những tuyến đường ngang không có rào chắn, barie..
Ông Trần Hoán - Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thừa nhận, còn nhiều tuyến đường dân sinh qua tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có rào chắn, barie mà chỉ có biển cảnh báo.
Theo ông Hoán, các tuyến đường dân sinh có 3 loại hình để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông là barie tự động, gác chắn và biển cảnh báo. Hiện đang có dự án xây dựng barie tự động cho các tuyến đường dân sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Còi hú đằng xa vẫn băng qua đường sắt
Việc những tuyến đường ngang kiểu “ba không” hoặc “hai không” gây bất an toàn giao thông đường sắt, đe dọa tính mạng người dân là điều không bàn cãi và cần cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc khắc phục.
Video: Phớt lờ còi tàu hú đằng xa vẫn liều mạng băng qua đường sắt
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, nếu những người dân biết tự ý thức quan sát, tuân thủ tín hiệu đèn, biển báo tại các đường ngang thì có lẽ sẽ không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thực tế, vẫn còn rất nhiều người vẫn coi thường tính mạng đánh liều băng qua đường sắt khi tàu sắp tới.
Chiều 24/2, PV VTC News có mặt tại tuyến đường ngang dân sinh nằm trên phường (Phú Thuận, thành phố Huế), chứng kiến rất nhiều người dân, dù còi tàu đã hú đằng xa nhưng vẫn ung dung vượt đường sắt. Rất may là không có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Trước đó, một giảng viên khoa Toán của trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cũng đã tử nạn khi băng qua đoạn đường ngang dân sinh thuộc tổ dân phố 8 (phường Phú Thuận, thành phố Huế) ngày 18/1/2016.
“Liều mạng” gây tai nạn thảm khốc
Như VTC News đã đưa tin, ngày 20/2 vụ tai nạn đường sắt thảm khốc đã xảy ra tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Vụ tai nạn không chỉ gây thiệt hại lớn về người mà con gây thiệt hại lớn về tài sản của ngành đường sắt. Lực lượng chức năng phải mất nguyên đêm cưa, cẩu những khoang tàu lật trên đường ray thì tuyến đường sắt Bắc – Nam mới có thể thông tuyến trở lại.
Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn kể trên là do tài xế xe tải BKS BKS 75C – 026.91 “liều mạng” băng qua đường sắt dẫn đến va chạm kinh hoàng với tàu SE2 đang chạy từ TP.HCM ra Hà Nội.
Cú va quá mạnh khiến xe tải bị tàu hỏa hất văng nát bét, hai người trên xe tải chết tại chỗ. Cú va cũng khiến 3 khoang tàu SE2 bị lật, 3 khoang bị trật bánh và phó tàu phụ trách an ninh là anh Nguyễn Hồng Phượng (quê Yên Bái) chết kẹt trong tàu.
Được biết, tuyến đường ngang nơi xảy ra vụ "Tàu hỏa đứt rời sau cú tông xe ben cố tình lao qua đường ray, 3 người thiệt mạng" cũng là một điểm đen về tai nạn đường sắt.
Theo quan sát, dù tuyến đường này nhiều xe qua lại, đặc biệt nhiều xe tải rất hay băng qua đường ngang để vào mỏ đá Khe Diều chở đá nhưng tuyệt nhiên không có barie, rào chắn hoặc người gác đường ray.
Người dân sinh sống tại gần khu vực đường ngang mà tàu SE2 gặp nạn kể trên còn cho biết, họ thường xuyên chứng kiến cảnh tai nạn xảy ra giữa tàu hỏa với xe cộ, gia súc.
Hai ngày sau vụ tai nạn được coi là “thảm họa” của ngành đường sắt kể trên thì ngày 22/2 cũng tại tuyến đường sắt Bắc – Nam qua thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên – Huế) lại một vụ tai nạn đường sắt khác tiếp tục xảy ra khiến một bé trai 3 tuổi chết thảm.
Nạn nhân được xác định là cháu Lê Văn Gia H. (3 tuổi, trú thôn 8B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy). Thời điểm xảy ra tai nạn, cháu H. một mình băng qua đường ngang dân sinh không may xảy ra va chạm với tàu SE9 khiến cháu này tử vong tại chỗ.
Chưa hết, cách thời điểm xảy ra vụ lật tàu SE2 thảm khốc ở Huế khoảng gần 2 năm, khoảng 22h ngày 10/3/2015 một vụ lật tàu khác cũng xảy ra tại đoạn đường sắt ở KM 641 + 700 giao nhau với đường ngang dân sinh thuộc thôn Xuân Lâm (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Theo đó, vào thời điểm kể trên chiếc xe tải BKS 75G – 00185 chở đá cố tình vượt đường ngang khi tàu đang đến. Hậu quả là chiếc xe tải này đã xảy ra tai nạn với tàu SE5 mang số hiệu D19E – 968 đang lưu thông theo hướng Bắc – Nam.
Cú đâm trực diện khiến xe tải đứt rời, tài xế xe tải trọng thương sống đời thực vật. Tàu hỏa bị lật ba khoang, đầu tàu bẹp dúm, lái tàu Lê Minh Phú (quê Thừa Thiên – Huế) chết kẹt trong cabin; ba hành khách trên tàu SE5 bị thương.
Những vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị xảy ra ở những thời điểm khác nhau và thiệt hại cũng khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là do những người dân thiếu ý thức cố tình vượt đường sắt.
Chỉ vì nóng vội mà họ đã rơi vào cảnh “nhanh một phút mà chậm cả đời”, không chỉ thiệt mạng, trọng thương mà còn gây thương tổn cho người khác và tài sản quốc gia.
Video: Hiện trường tàu SE2 bị lật thảm khốc ở Huế
Bình luận