Mới đây, một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại nút giao Yên Bình, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khiến 4 người tử vong; 6 người nhập viện.
Sau khi xảy ra tai nạn, nhiều lái xe cho rằng, một số biển báo ở trên cao tốc nhỏ, do vậy, lái xe không quan sát được đã đi quá lối rẽ và phải lùi hoặc chạy ngược chiều trên cao tốc. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Đi quá nút giao vì biển báo
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội), lái xe thường xuyên lưu thông qua các tuyến đường cao tốc cho hay, hiện nay, nhiều biển báo chỉ dẫn trên đường cao tốc không đủ to và rõ ràng khiến cho tài xế khi lái xe với tốc độ cao không quan sát kịp, gây mất an toàn giao thông.
“Ở Việt Nam tôi quan sát chỉ có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến mà các biển chỉ dẫn đạt chuẩn, còn lại cao tốc Nội Bài - Lào Cao, Đại lộ Thăng Long, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình hay Cao tốc Trung Lương... đều chưa rõ ràng. Các biển báo chỉ dẫn đường thường nhỏ và thiếu rõ ràng”,a nh Thắng nói.
Theo anh Thắng, cách đặt tên biển chỉ dẫn cho các lối ra vào đường cao tốc cũng chưa đồng nhất. Đơn cử, như tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thường lấy tên kỹ thuật (IC4; IC6...) trong khi đó lái xe thường hay nhìn tên địa danh (huyện, tỉnh) để rẽ, chuyển hướng. Như vậy, nếu lái xe không nắm rõ tên kỹ thuật (nút giao IC4-đoạn TP Yên Bái; IC6- đoạn đi vào huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thì sẽ dễ bị nhầm đường và đi quá.
Anh Đặng Văn Tâm (35 tuổi), lái xe taxi ở Hà Nội kể, anh cũng thường xuyên chở khách lưu thông qua các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tại tuyến đường này, có một số biển báo chỉ dẫn nhỏ, khó quan sát, nhất là vào buổi tối.
“Nếu như biển báo chỉ dẫn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lái xe ở vị trí cách khoảng 100m có thể nhìn thấy rõ. Nhưng biển báo chỉ dẫn ở cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên rất bé, khó quan sát, lái xe phải ở khoảng cách 60m mới có thể nhìn rõ. Thậm chí, nếu đi buổi tối, đến các nút giao trên cao tốc Thái Nguyên, lái xe phải đi chậm lại mới có thể nhìn rõ biển, chọn lối rẽ”, anh Tâm kể.
Biển báo phải được nhắc lại nhiều lần trên cao tốc
Thượng tá Nguyễn Văn Qũy, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (PC67, Công an TP Hà Nội) cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rất rõ, nghiêm cấm hành vi lùi xe ô tô trên cao tốc; dừng đỗ xe trên cao tốc.
Nếu lái xe gặp trường hợp khẩn cấp thì phải tấp vào lề đường, bật đèn cảnh báo nguy hiểm để cho các phương tiện khác biết.
Theo ông Quỹ, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ 2016 quy định, trên từng tuyến cao tốc phải được gắn biển báo khoảng cách an toàn (từ 50-150m tùy từng đoạn đường).
Các biển báo này thường được nhắc lại nhiều lần trên tuyến đường để cảnh báo cho các lái xe chú ý, đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Tại các nút giao, thì trước nút giao khoảng 1km phải có biển báo chỉ dẫn có lối rẽ đi đâu để lái xe chủ động. Đến cách vị trí nút giao khoảng 500m phải tiếp tục có biển báo nhắc lại.
Thêm nữa phải có gờ giảm tốc, biển báo hạn chế tốc độ, thiên giá long môn báo hiệu hướng rẽ hoặc hướng đi tiếp để lái xe biết. Buổi tối, biển báo phải có gắn phản quang để lái xe biết.
Đối với biển báo chỉ dẫn, nội dung phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; ưu tiên sử dụng các ký hiệu, số hiệu và hình vẽ minh họa. Kích cỡ chữ viết, chữ số và ký hiệu phải đảm bảo để người điều khiển phương tiện nhìn rõ và nắm bắt được nội dung từ khoảng cách 150m trong điều kiện thời tiết bình thường.
Trước đó, vào khoảng 16h00 ngày 19/11, tại km40+800 nút giao Yên Bình, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên xe ô tô 7 chỗ mang BKS 99A-142.53 lưu thông theo hướng Hà Nội - Thái Nguyên đã va chạm với xe container BKS 89C-079, kéo rơ móoc 89R-004. Vụ tai nạn đã khiến 4 người tử vong và 6 người bị thương, toàn bộ nạn nhân đều ngồi trên xe Innova.
Sau đó, cơ quan chức năng làm rõ tài xế xe Innova do đi quá đường rẽ vào cầu vượt khoảng 100m nên đã đi lùi trên cao tốc. Xe đầu kéo đi phía sau khoảng cách quá gần đã không xử lý kịp, đâm vào đuôi xe ô tô.
Video: Hiện trường vụ tai nạn trên đường sắt
Bình luận