Liên quan đến vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến 1 người chết và 5 người bị thương, ngày 24/10, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Trả lời PV VTC News, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, dư luận bàng hoàng cũng là điều dễ hiểu. Bởi đây là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và quá đỗi thương tâm. Nghiêm trọng vì đã có hàng loạt người thương vong, hàng loạt xe máy, ô tô hư hỏng, móp méo, tình hình giao thông của cả một ngã tư bỗng trở nên hỗn loạn, nhốn nháo.
Thương tâm vì những chiếc xe máy, ô tô bị tông cho vỡ vụn, nát bét kia đang dừng đèn đỏ, tức là người điều khiển chúng đang nghiêm túc chấp hành luật giao thông.
Thế nhưng cái tín hiệu đèn đỏ tưởng chừng để đảm bảo an toàn ấy cũng đã không giữ nổi sự an toàn cho họ. Có lẽ không ai trong số họ có thể ngờ rằng, mình sẽ là nạn nhân của một vụ tai nạn kinh hoàng và khủng khiếp đến thế. Một cô gái trẻ tối đó đã vĩnh viễn không thể trở về nhà, 5 người khác, thay về trở về “tổ ấm” thì lại phải tới một nơi không mong muốn đó là… bệnh viện.
Video: 3D mô phỏng tai nạn thảm khốc ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM
"Dưới góc độ pháp lý, tôi đánh giá vụ việc này có dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Có lẽ, chuyện cơ quan công an khởi tố vụ án chỉ là vấn đề sớm hay muộn thôi. Còn về khung hình phạt cụ thể, cơ quan công an sẽ căn cứ vào kết quả điều tra, mức độ thương tật của người bị nạn và lỗi của người gây ra tai nạn để đưa ra án phạt thích hợp nhất. Về trách nhiệm dân sự, bà Nga cũng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn này.
Dù không có nồng độ cồn vượt ngưỡng thì việc bà Nga không kiểm soát được tốc độ gây tai nạn nghiêm trọng cũng đã là vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Đằng này, nồng độ cồn đo được lại rất cao, tức là có thêm một vi phạm khác nữa, đây sẽ là tình tiết để cơ quan chức năng xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự của người gây ra tai nạn" - luật sư Trương Anh Tú nói.
Về việc bà Nga đổ lỗi cho chiếc giày cao gót là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, luật sư Trương Anh Tú khẳng định: "Bà Nga không thể đổ lỗi cho chiếc giày cao gót được. Bà ấy là người lái xe và đã có bằng lái, bà ấy phải hiểu được những nguyên tắc an toàn khi lái xe chứ. Bởi phụ nữ khi đi học bằng lái ôtô, nguyên tắc đầu tiên là không được phép mang giày gót nhọn.
Thông thường, phụ nữ khi lái xe hơi sẽ tháo giày cao gót ra để đi dép bệt, giày bệt cho dễ điều khiển xe. Có thể do lúc lái xe về nhà, bà Nga đã quá vội hoặc quá say dẫn đến việc quên mất đôi giày cao gót mà mình đang đi. Nhưng dù có thế nào đi nữa, dù có đúng là do chiếc giày cao gót vướng víu khiến bà Nga luống cuống xử lý nhầm thì điều này cũng không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm cho hành vi của bà này hết nguy hiểm với xã hội. Đây không phải là lý do để miễn trừ trách nhiệm hình sự."
Nói về các nạn nhân trong vụ tai nạn, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, các nạn nhân cần yên tâm chữa bệnh, sức khỏe của bản thân phải là mối quan tâm hàng đầu, sau đó phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ tai nạn.
Tiếp đó, các nạn nhân hoặc người thân của họ cần tập hợp hồ sơ bệnh án, viện phí, các chi phí thiệt hại khác như thu nhập bị mất trong thời gian nằm viện, tổn thất tinh thần, chi phí người nhà phải nghỉ việc để chăm sóc, thống kê hư hại tài sản… Đối với người thiệt mạng thì là chi phí mai táng, chi phí cấp dưỡng cho con nhỏ dưới 18 tuổi (nếu có)… Tất cả những chi phí này, người gây ra tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng.
"Hành nghề luật sư, tôi đã gặp hầu hết các loại án, trong đó không thiếu các vụ việc liên quan đến hành vi say xỉn điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông. Có thể thấy, tình trạng này một phần xuất phát từ văn hóa nhậu nhẹt của người Việt, khi gặp gỡ đối tác, anh chị em bạn bè nếu thiếu một chầu rượu thì sẽ cảm thấy nhạt nhẽo.
Tôi không phán xét điều này, vì nó đặt chung trong bối cảnh, nền văn hóa của nước ta. Tôi chỉ muốn nói rằng, mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm với bản thân và người xung quanh. Tốt nhất, khi đã có rượu bia rồi thì không nên tự lái xe mà nên gửi lại xe rồi bắt taxi hoặc nhờ ai đó đưa về. Bản thân những người bạn nhậu cũng nên có ý thức.
Ví dụ trong trường hợp bà Nga, bà ấy nói rằng đi ăn uống tại một nhà hàng, vậy tại sao thấy bà ấy quá chén như vậy mà những người đi cùng vẫn để bà ấy tự lái ô tô về? Đó là một sự vô trách nhiệm. Đành rằng luật pháp không có quy định về việc can ngăn người say xỉn tự điều khiển phương tiện giao thông, nhưng ở góc độ con người, góc độ đạo đức thì như thế là chưa được. Nếu bạn tôi đi nhậu với tôi rồi say xỉn đến mức như vậy, không đời nào tôi để cho bạn tôi tự điều khiển ô tô về.
Vụ tai nạn lần này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lái xe khi say xỉn. Một vài ly rượu có thể khiến chúng ta “tước đoạt” đi mạng sống, sức khỏe của người khác, đồng thời đánh mất danh tiếng và sự nghiệp của chính mình.
Bà Nga từng là một tấm gương truyền cảm hứng khi một mình từ Ninh Bình vào Sài Gòn lăn lộn lập nghiệp, làm những công việc nhỏ mọn như phụ bếp, nhưng rồi sau này nhờ nỗ lực của bản thân và một cơ may khi tìm được người chồng lý tưởng, bà đã trở thành bà chủ của một chuỗi nhà hàng bề thế.
Vậy mà chỉ sau một đêm, giờ đây nhắc đến bà, người ta sẽ không nhắc đến câu chuyện khởi nghiệp nữa mà sẽ chỉ nhớ đến chiếc BMW nát đầu ở Hàng Xanh, những chiếc xe máy, taxi vỡ nát, kính văng tứ tán, nằm chỏng chơ giữa đường bên những cơ thể đầm đìa máu…
Chúng ta đang sống giữa thời bình, không chiến tranh nhưng chúng ta lại mất mát rất nhiều sinh mạng vì tai nạn giao thông do bia rượu, đây là điều rất đáng tiếc. Chỉ mong sao tất cả người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông, để phía trước vô lăng là sự sống chứ không phải cái chết!" - luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Bình luận