Video: Xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc có đúng luật?
Chiều 18/3, xe cứu hộ của Cảnh sát PCCC Hà Nội cắt ngang cao tốc, đi ngược chiều bị xe khách tông vào hông trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Vụ tai nạn khiến 13 người bị thương và 1 cảnh sát PCCC thiệt mạng, hai xe hư hại nghiêm trọng, giao thông ùn tắc cục bộ kéo dài nhiều giờ liền.
Ngày 28/2, Đội CSGT số 2 đã phát hiện ô tô 4 chỗ biển kiểm soát Hà Nội đi ngược chiều tại làn trong cùng đoạn km 30 hướng Hà Nội – Hải Phòng ngược về Hà Nội. Khi chạy ngược chiều, nữ tài xế này liên tục nháy đèn pha để cảnh báo các xe khác đang đi đúng chiều.
Cũng chẳng ngẫu nhiên người ta phong danh hiệu “hung thần xa lộ”, “ninja lead” cho những chị em vô tư sang đường kiểu “đường nhà mình”. Chỉ cần xi nhan rồi thản nhiên rẽ, thậm chí không cần nhìn gương, không quay đầu quan sát phía sau khiến người tham gia giao thông bao phen hú hồn.
Quay lại chuyện giữa xe cứu hỏa và xe khách, có quá nhiều luồng ý kiến tranh luận đúng sai. Xem clip xong, ai nấy đều rụng rời khi chỉ trong tích tắc, vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Nhiều người lên án tài xế xe khách không giảm tốc độ là nguyên nhân chính của vụ tai nạn.
Thế nhưng, trên cao tốc, tốc độ thường ở mức 80-90km/h, xe trước vụt qua là xe sau đã tới, thử hỏi tài xế có phanh kịp? Chưa nói đến nếu phanh kịp thì nguy cơ xe bị lật, có thể xảy ra tai nạn liên hoàn thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào?
Video: Khoảnh khắc xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Lái xe cứu hỏa sử dụng quyền ưu tiên có sai không? Có lẽ không. Nhưng ưu tiên được đi vào đường ngược chiều, chứ không phải cứ lao vào đường ngược chiều thế nào cũng được.
Tài xế xe cứu hộ từ lối rẽ đã băng ngang đường để đi vào làn đường trong cùng, là làn cho phép các xe chạy với tốc độ cao nhất nên đã xảy ra tai nạn thương tâm.
Làm nhiệm vụ khẩn cấp nhưng không thể lấy lý do ấy bào chữa cho việc cắt ngang đột ngột trên làn cao tốc bất chấp an toàn tính mạng của tất cả những con người đang tham gia giao thông kia.
Trong trường hợp này, xe cứu hỏa đã không thể cứu người đang bị nạn mà còn gây ra tại nạn với xe khác trên đường. Bình tĩnh nghĩ lại, thiệt hơn thế nào chúng ta đều rõ.
Việc sang đường chỉ được thực hiện khi lái xe đã quan sát kỹ, khoảng cách sang đường phải được tính toán hết sức an toàn. Tuy nhiên với kiểu lái xe mọi rợ như ở ta, gần như rất ít người tham gia giao thông thực hiện thao tác an toàn này.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, làm sao có thể quy kết trách nhiệm cho người khác khi xảy ra tai nạn giao thông mà không nhìn nhận nguyên nhân xuất phát từ chính cách lái xe kiểu “tự sát” của mình?
Những điều này cũng giải thích được vì sao ở Việt Nam không có văn hóa nhường đường. Nếu cứng nhắc chỉ thực hiện đúng luật, đúng quyền hạn của mình mà không căn cứ vào tình hình thực tế, bất chấp tính mạng đồng loại thì con người còn là con người không?
Chẳng tự hào gì khi những hình ảnh giao thông đáng sợ của ta trên báo Tây hay những ý kiến khách du lịch nước ngoài khiếp sợ đến Việt Nam vì không dám tham gia giao thông.
Bao giờ đi đến con đường “văn minh” không ùn tắc, không còi xe inh ỏi khi ngày ngày mỗi người vẫn hồn nhiên với luật pháp: luồn lách tranh đường, vượt đèn đỏ, vẫn lao lên vỉa hè cướp đường của người đi bộ?
Một chuyên gia từng nói: “Nhìn cách người dân lưu thông trên đường là biết trình độ dân trí của nước đó” khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Không phải tới khi xảy ra tai nạn chúng ta mới bàn đến vấn đề văn hóa tham gia giao thông, cần thẳng thắn nhìn nhận văn hóa ấy không phải được xây dựng ngày một, ngày hai hay trên những văn bản giấy tờ.
Nó xuất phát ngay từ ý thức của mỗi cá nhân trên đường, với tinh thần: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
Bình luận