Tai nạn hy hữu khi làm đẹp răng

Sức khỏeThứ Hai, 09/03/2015 02:51:00 +07:00

Bệnh nhân nhập viện trong tình huống bị rách môi hay nuốt phải niềng răng.

(VTC News) – Bệnh nhân nhập viện trong tình huống bị rách môi hay nuốt phải niềng răng.

Thời gian gần đây, khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện  Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận một trường hợp tai nạn khá hy hữu.

Bệnh nhân là bé gái 11 tuổi bị rách sâu môi trên do chính mắc cài chỉnh răng bằng kim loại đâm vào. Bệnh nhân cho biết, trong khi bé đang đùa giỡn với bạn bè thì  bị đầu của bạn đập mạnh vào mặt.


 
Bác sỹ khám thấy vùng môi trên của bé sưng to, dính chặt vào bề mặt răng, mắc cài chỉnh nha dính sâu bên trong môi, máu chảy nhiều.
Sau khi bé được gây tê vùng môi để giảm đau, các bác sỹ tiến hành lấy mắc cài ra khỏi môi và khâu vết thương.

Một trường hợp tai nạn khác là bệnh nhân Đ.L.D.A, sinh năm 2002 nhà ở TP.HCM, nhập viện vì nuốt cọng kẽm dùng để niềng răng.

Bác sỹ bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, em được niềng răng để chỉnh hình răng bị lệch nhưng sáng cùng ngày nhập viện, sau khi em ngủ dậy người nhà phát hiện thấy mất hết một cọng kẽm.

Chụp Xquang kiểm tra, bác sỹ thấy có dị vật ở đường tiêu hóa. Sau đó bé được khám, cho uống thuốc nhuận tràng và được theo dõi tiếp để xem có đi tiêu ra dị vật hay không. Sau 3 ngày theo dõi, đến ngày 01/10/2014 bé đã tự đi tiêu ra dị vật, sau tiêu tình trạng bé khỏe, không đau bụng, ăn uống bình thường và bé đã được xuất viện sau đó.

Tuy nhiên, cũng có tình huống khí cụ chỉnh nha lại vô tình là vật bảo vệ răng miệng khi bệnh nhân bị tai nạn.

Đó là trường hợp của bé gái 14 tuổi, chỉnh nha cố định được 2 năm, đang mang mắc cài và dây cung. Trong buổi học thể dục tại trường, bé bị trượt té đập mặt và đập 4 răng cửa hàm trên vào thành hồ bơi. Thông thường, trong những trường hợp như thế, các răng cửa bị tác động sẽ gãy hoặc rơi ra ngoài.

Nhưng điều hy hữu trong trường hợp này là chính nhờ các thiết bị chỉnh nha bệnh nhân đang mang gồm mắc cài, dây cung và thun đã liên kết các răng lại với nhau và cứng chắc hơn. Nhờ đó, các răng còn được giữ lại trên cung hàm.

BS Nguyễn Lê Hữu Khoa - Khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi đồng 1 cho biết: Hiện nay, chỉnh hình răng mặt ngày càng phổ biến, đặc biệt đối với các bé đang ở độ tuổi đến trường.

Bệnh nhân sẽ được mang hàm chỉnh nha tháo lắp hoặc sẽ được gắn mắc cài và cung thép trong chỉnh nha cố định để điều chỉnh răng đúng vị trí.

Các dụng cụ này tưởng chừng vô hại này đôi khi gây ra các tai nạn đáng tiếc như làm rách môi, rách má, rách lưỡi, nghiêm trọng hơn có thể rớt ra rơi vào thực quản, khí quản khi bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt.

Do đó, chúng tôi khuyến cáo các bé khi mang khí cụ chỉnh nha không nên đùa giỡn hay chơi các môn thể thao có thể va chạm mạnh, phải tuân theo chế độ ăn uống mềm, lỏng, vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và tái khám bác sĩ đúng kỳ hẹn.

Đê việc niềng răng an toàn, các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh nên hướng dẫn cho trẻ biết cách theo dõi khi niềng răng, kiểm tra xem niềng răng có bị lỏng lẻo. Tái khám theo lời dặn của bác sĩ hay khi chuỗi dây hoặc kiềng niềng bị lỏng lẻo.

» Bị cá ăn thịt rỉa nát chân, cô bé tử vong
» Răng 'đâm thủng' má
» Những quan niệm sai lầm làm hỏng hàm răng

Tuấn Phong

Bình luận
vtcnews.vn