• Zalo

Tai nạn giao thông ở nông thôn: Những con số báo động

Thời sựThứ Hai, 23/03/2015 07:30:00 +07:00Google News

Số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ.

(VTC News) - Số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình tai nạn giao thông năm 2014 tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm: Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Sơn La xảy ra 1.260 vụ tai nạn, làm tử vong 720 người, làm bị thương 644 người.

Cũng theo Ủy ban ATGTQG, qua theo dõi thống kê tình hình tai nạn giao thông đường bộ năm 2014, tại các tuyến đường nông thôn xảy ra 1.836 vụ, làm tử vong 894 người, làm bị thương 1.090 người.

Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của nhiều người 

Trong khi đó, theo số liệu thống kê gần đây cả nước đã có 8940 xã, chiếm 98,6% tổng số xã cả nước đã có đường ô tô đến trung tâm xã (tăng 2,3% so với năm 2006), trong đó đi lại được 4 mùa là 8803 xã, chiếm 97,1% ( tăng 3,5% so với năm 2006); trong đó xã có đường ô tô đến trung tâm xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa là 7917 xã chiếm 87,3% (tăng 17,2% so với năm 2006). 

Theo đánh giá của ngành chức năng, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; xếp thứ ba là số vụ tai nạn xảy ra tại các tuyến đường nội thị; tỷ lệ tai nạn trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29%; đường làng, thôn, đường xóm chiếm 19%.

Tiêu biểu như, theo thống kê sơ bộ, 9 tháng đầu năm 2014, tại huyện Đakrông xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người, bị thương 31 người, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước (tăng 6 vụ, số người chết tăng 5 người, số người bị thương tăng 16 người). 

Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 12/9/2014, trên tuyến quốc lộ 9, thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông, giữa xe ôtô mang BKS 74B-001.77 và xe môtô mang BKS 74K-018.17 chở 5 người; khiến 2 người chết, 3 người bị thương nặng. Nguyên nhân là do xe môtô chở quá số người quy định, chạy sai phần đường, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào xe ôtô.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng tại vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Hạ tầng giao thông tại các địa phương dù đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; nhiều tuyến được cải tạo, làm mới, nhất là những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông nông thôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng đầu tư. 

Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm; hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết, lắp đặt rất hạn chế; tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo... lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến.

Thứ trưởng Bộ GTVT tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh miền núi phía Bắc

Mặt khác công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng còn nhiều điểm bất cập, mặc dù các cấp từ trung ương và các địa phương đã có rất nhiều chương trình vận động, tuyên truyền, phổ biến về an toàn giao thông nhưng thực tế cho thấy tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng cả về số vụ và tỷ lệ tử vong ở vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc. 

Sáng 22/3, Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "Công tác bảo đảm trật tự ATGT khu vực miền núi phía Bắc". 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao công tác đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là công tác kiểm soát, kiềm chế TNGT của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, góp phần tích cực vào việc giảm ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT. 

Thứ trưởng đề nghị Ban ATGT các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình, có các biện pháp đồng bộ bảo đảm trật tự ATGT, trong đó đẩy mạnh công tác nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông. 

"Ban ATGT các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; cần nhiều hình thức đầu tư, có cơ chế chính sách phù hợp về kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; thanh tra, kiểm tra và công tác phối hợp" Thứ trưởng Thọ chỉ đạo.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn