Dự án Lưu trữ An ninh Quốc gia của Đại học George Washington, Mỹ mới đây công bố tài liệu đề cập tới kế hoạch hạt nhân chung của Bộ tham mưu Mỹ vào năm 1964, trong đó Washington từng nghiên cứu các giải pháp để "tiêu diệt Liên Xô và Trung Quốc".
Kể hoạch này được đưa ra 2 năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Washington khi đó chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân phá hủy 70% cơ sở hạ tầng công nghiệp của Liên Xô. Với Trung Quốc, quốc gia với nền kinh tế đang phải dựa vào nông nghiệp vào thời điểm đó, Mỹ dự định sẽ quét sạch 30 thành phố lớn và 30% dân số đô thị, đồng thời giảm một nửa khả năng công nghiệp của nước này.
"Vụ tấn công hạt nhân quy mô lớn nếu thành công sẽ đảm bảo Trung Quốc không còn là một quốc gia nữa", RT trích trong tài liệu.
Bộ Tham mưu Mỹ cũng đề xuất sử dụng số liệu người dân thiệt mạng làm thước đo hiệu quả trong các đợt tấn công hạt nhân.
"Điều này có nghĩa là miễn là họ đặt mục tiêu về số lượng người dân, thiệt hại thực tế đối với các mục tiêu công nghiệp cũng không còn quá quan trọng", các nhà nghiên cứu thuộc Đại học George Washington cho biết.
Theo RT, bản kế hoạch năm 1964 không xác định mức độ thương vong, nhưng theo ước tính từ trước năm 1961, một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ có thể sẽ quét sạch 71% dân số tại các đô thị lớn ở Liên Xô và 53% dân cư ở Trung Quốc. Tương tự, các số liệu dự đoán đưa ra năm 1962 cho rằng 70 triệu người dân Liên Xô sẽ phải bỏ mạng trong một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các mục tiêu quân sự cũng như các khu đô thị-công nghiệp.
Video: Quy trình chuyển giao vali hạt nhân cho tân Tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào?
Washington hiện nay vẫn coi khả năng quân sự của Nga và Trung Quốc là những thách thức chính phải đối mặt. Bản báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân được Mỹ công bố vào tháng 2/2018 khẳng định nước Mỹ đang phải đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng là Trung Quốc và Nga đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.
Matxcơva và Bắc Kinh ngay sau đó đã lên tiếng chỉ trích những đánh giá này. Trong khi Matxcơva cáo buộc Mỹ đang áp dụng chiến lược đối đầu, thì Bắc Kinh mô tả cách tiếp cận của Lầu Năm Góc cho thấy lối tư duy lỗi thời bảo thủ của thời kỳ chiến tranh lạnh và cạnh tranh tổng hòa.
Bình luận