• Zalo

Tái cơ cấu kinh tế: Hai câu hỏi “lạ” cho Thủ tướng

Thời sựThứ Hai, 28/11/2011 02:56:00 +07:00Google News

Vị đại biểu này muốn biết Thủ tướng sẽ có chỉ đạo như thế nào, để có thể có nguồn nhân lực thực để phục vụ cho tái cơ cấu?

Chính phủ sẽ trình đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại kỳ họp tới của Quốc hội, Thủ tướng “hứa” trước ngày bế mạc kỳ họp thứ hai.

Như vậy, từ giữa khóa Quốc hội khóa 12, sau nhiều lần các đại biểu Quốc hội “đòi nợ”, một đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế được hứa đi hứa lại và lỡ hẹn hết kỳ này sang kỳ khác đã được khẳng định, từ chính người đứng đầu Chính phủ.

Tái cơ cấu nền kinh tế là một trong hai nhóm vấn đề lớn đã được Quốc hội chọn để chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp này. 

Tái cơ cấu nền kinh tế cũng là một trong hai nhóm vấn đề lớn đã được Quốc hội chọn để chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp này. Tuy nhiên, hôm 25/11, chỉ có 2/22 đại biểu đề cập nội dung tái cơ cấu kinh tế trong câu hỏi với Thủ tướng, với cách đặt vấn đề khá “lạ”.

Từ khi quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, ba lĩnh vực trọng tâm của công việc này luôn được nhấn mạnh tại các diễn đàn là tái cấu trúc đầu tư, cơ cấu lại thị trường tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Vậy nhưng, ở chất vấn của mình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc lại muốn biết quan điểm của Thủ tướng về một vấn đề khác, qua ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế.

Đó là, để xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trước hết cần phải tái cơ cấu chính bộ máy thực thi nhiệm vụ này. Vì những hạn chế yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây nên những căn bệnh của nền kinh tế nước ta.

Theo đề xuất này thì để hạn chế, loại bỏ tác động tiêu cực của nhóm lợi ích, bên cạnh việc tiếp tục giao cho các bộ xây dựng các đề án tái cơ cấu chuyên ngành, cần có một thiết chế mới, một cơ quan của Chính phủ, tạm gọi là Ủy ban Tái cơ cấu nền kinh tế, do Thủ tướng Chính phủ hoặc một phó thủ tướng làm Chủ tịch.

Thành phần ủy ban này gồm một số bộ trưởng kinh tế, tài chính có liên quan và các chuyên gia kinh tế độc lập. Một đạo luật của Quốc hội có thể gọi là luật tái cơ cấu nền kinh tế hoặc luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế sẽ giao cho ủy ban này những thẩm quyền đặc biệt so với thẩm quyền của cơ quan hiện hành. Có như vậy, theo ông Nguyễn Văn Phúc, mới có thể khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012.

Nhấn nút đăng ký chất vấn sau cùng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu vấn đề, “chúng ta nhắc rất nhiều đến tái cơ cấu, và muốn tái cơ cấu phải có nguồn lực, đó là con người. Bởi vì nếu không có con người thì không thể tái cơ cấu được bất cứ cái gì cả”.

Vị đại biểu này muốn biết Thủ tướng sẽ có chỉ đạo như thế nào, để có thể có nguồn nhân lực thực để phục vụ cho tái cơ cấu?

Tiếc rằng vì thời gian có hạn, người đứng đầu Chính phủ đã không trả lời trực tiếp được hai câu hỏi này. Bởi vậy, ở hành lang Quốc hội, có không ít đại biểu đã bày tỏ sự tiếc nuối với đại biểu Phúc vì sự đồng cảm với vấn đề được nêu tại chất vấn.

Ông Phúc nhấn mạnh rằng vấn đề ông nêu là tâm tư của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học. Bởi nếu vẫn làm theo cách cũ là giao cho các bộ dự thảo đề án thì theo ông, khó tránh được sự chi phối của lợi ích cục bộ.

Và, sự có mặt của các chuyên gia độc lập ở một ủy ban chuyên trách về tái cơ cấu là hết sức cần thiết để đảm bảo khách quan cũng như loại bỏ tối đa lợi ích nhóm.

Đại biểu Phúc cũng nhắc lại quan điểm của Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá tại hội thảo về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức tại Hải Phòng.

Rằng, “khi tư duy nhiệm kỳ đã ăn vào máu thịt thì để tái cơ cấu nền kinh tế phải tái cơ cấu cái đầu của chúng ta trước, nếu không thì có “giời” mà làm được…".

Trước thềm kỳ họp Quốc hội thứ hai, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng “mục tiêu tái cơ cấu công tác cán bộ cần đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong điều kiện hiện nay”.

Đặt tái cơ cấu nền kinh tế vào trọng tâm của “đổi mới lần hai”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đổi mới lần này đỏi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.
 
Cho rằng một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi rất lớn hiện nay có thể không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy, có thể tìm cách trì hoãn và ngăn cản một công cuộc cải cách như vậy, song theo ông thì “đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay”.

Bởi thế, sẽ không chỉ có các vị đại biểu nêu câu hỏi tại phiên chất vấn trực tiếp mới mong nhận được câu trả lời của Thủ tướng.

Và Thủ tướng cũng đã “hứa” sẽ trả lời bằng văn bản trực tiếp đến các vị đại biểu Quốc hội, nếu cần thiết sẽ công bố trả lời của mình trên cổng thông tin của Chính phủ “để đồng chí, đồng bào biết rõ trình bày của Thủ tướng về những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội quan tâm”.

Thủ tướng đã nhiều lần trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, và câu trả lời về chủ quyền biển đảo, quyền biểu tình của nhân dân của ông đã “trên cả sự mong đợi” của cả đại biểu và cử tri.

Bởi vậy, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng sự thấu đáo và cả những bất ngờ thú vị ở những câu trả lời mà ông đang “nợ” đại biểu và cử tri cả nước.

Theo VnEconomy

Bình luận
vtcnews.vn