Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về tương lai kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2022, cũng như các vấn đề phát triển tài chính xanh.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao việc Ngân hàng Standard Chartered phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm, trong đó thông tin và trao đổi về báo cáo vừa hoàn thành tháng 02/2022 của Ngân hàng Standard Chartered về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh các hoạt động nghiên cứu, tham mưu và đối thoại chính sách kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng khi các quốc gia trên toàn cầu và Việt Nam đứng trước những lựa chọn chính sách có tính bước ngoặt, tác động không chỉ đến triển vọng kinh tế trước mắt mà còn quyết định khả năng phục hồi, phát triển bền vững trong dài hạn.
Tại sự kiện, các diễn giả và đại biểu bao gồm lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện các Bộ, ban, ngành và địa phương, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận về tình hình kinh tế Việt Nam và toàn cầu năm 2021-2022, đặt trong bối cảnh phục hồi từ đại dịch COVID-19, cũng như làm rõ những tiềm năng và vướng mắc còn tồn tại trong phát triển tài chính xanh.
Việt Nam tiếp tục là mắt xích quan trọng
Các chuyên gia quốc tế nhìn chung nhận định tích cực về khả năng phục hồi của kinh tế khu vực và toàn cầu, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có chuyển biến tốt, tuy nhiên cũng nhấn mạnh những mối lo ngại về sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng cũng như khả năng lạm phát gia tăng.
Theo ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2022, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái. Nền kinh tế đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng và các gói kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, các chính sách tiền tệ và tài khóa bị thắt chặt cùng với sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế năm 2022.
Theo ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối Quý 1; tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi sau thời gian bị đại dịch ảnh hưởng.
Đề xuất phát triển tài chính xanh
Tại Phiên thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp, quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất xung quanh phát triển tài chính xanh ở Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định định tài chính xanh sẽ là xu thế được đẩy mạnh trong thời gian tới. Để đạt được những mục tiêu trong lĩnh vực này, Việt Nam cần xem xét hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy trình có liên quan; tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm và giúp tăng cường nguồn lực, nguồn vốn thúc đẩy tăng trưởng xanh; cũng như phát triển thị trường tài chính xanh.
Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ đối tác và doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.
Ông Ben Hung, Tổng Giám đốc, khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một ngân hàng quốc tế hàng đầu, chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trường bền vững của Việt Nam trong năm 2022 và các năm tới".
Bình luận