Trong cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn là chiếc ghế nóng, bởi sau 4 tháng, đây là một trong số ít các Bộ chưa thay đổi người đứng đầu. Hơn nữa, Bộ này cũng không có lãnh đạo nào tại chỗ là Ủy viên TW Đảng...
Đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay vẫn là bà Nguyễn Thị Kim Tiến – người đã được phê chuẩn vào vị trí này từ tháng 8/2011. Sinh năm 1959, từng là viện trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống Viện Pasteur trên toàn thế giới, bà Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành Ủy viên dự khuyết TW Đảng từ năm 2007 và sau đó là Thứ trưởng Bộ Y tế.
Đầu năm 2011, tại Đại hội Đảng lần thứ 11, bà Nguyễn Thị Kim Tiến được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và đến ngày 3/8/2011 được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế.
Một nhiệm kỳ đầy sóng gió
Từ khi lên nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đối mặt với nhiều sóng gió. Mặt khách quan là do diễn biến của tình hình dịch bệnh và tai biến y khoa tăng lên, nhưng bên cạnh đó, sóng gió đến một phần từ những phát biểu của chính Bộ trưởng Tiến trước những sự việc của ngành mình.
Cách đây đúng 3 năm, tháng 7/2013, dư luận dậy sóng khi sự việc 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở BV đa khoa huyện Hướng Hoá, Quảng Trị. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang có chuyến công tác tại Quảng Trị, nhưng người đứng đầu ngành y tế, không biết vì lý do gì lại không đến thăm hỏi và chia sẻ cùng các gia đình có con bị tử vong.
Cách hành xử của bà Tiến lúc đó đã khiến dư luận dậy sóng mà câu nói để đời chính là: “Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”. Phải mất gần 1 năm sau, ngành y tế mới chính thức công bố được nguyên nhân tử vong trong vụ việc này.
Chỉ sau đó chưa đầy 1 tháng (8/2013), dư luận lại sôi sục về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
Chỉ trong vòng 10 tháng, từ tháng 7/2012 đến 5/2013, đã có 1000 nghìn phiếu xét nghiệm được nhân bản để cấp cho người bệnh, trung bình mỗi kết quả xét nghiệm được dùng cho 2 – 5 bệnh nhân.
Năm 2013 khép lại không mấy suôn sẻ với Bộ trưởng Bộ Y tế khi vào cuối tháng 10/2013, một bác sỹ của Thẩm mỹ viện Cát Tường sau khi phẫu thuật thẩm mỹ làm chết khách hàng đã mang xác của nạn nhân ném xuống sông Hồng để phi tang.
Sóng gió chưa dừng lại ở đó, đỉnh điểm là vào dịch sởi năm 2014, khoảng 100 trẻ đã tử vong liên quan đến bệnh sởi. Một làn sóng mạnh mẽ kêu gọi Bộ trưởng Tiến từ chức, vì cho rằng người đứng đầu Bộ Y tế đã bất lực trước tình hình dịch sởi. Xuất hiện một trang Facebook có tên "Bộ trưởng Bộ Y tế hãy từ chức", kêu gọi các thành viên ký tên, chụp ảnh và biểu tình, trong đó có nhiều người nổi tiếng.
Bà Tiến cũng đã rất thẳng thắn nói rằng: "Tôi không nghĩ đến từ chức ngay"- bởi vì trách nhiệm trước mắt của ngành Y tế và của Bộ trưởng lúc đó là phải dập dịch sởi, cứu chữa cho trẻ em.
Trong nhiệm kì của mình, Bộ trưởng Tiến còn được nhắc đến với những câu nói “để đời” như: “ Tăng viện phí là thành tựu y tế”; “Thiếu giường bệnh thì phải hỏi nhà nước”; “Văn hóa Việt Nam, việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh” hay “ Ăn chi toàn đồ bẩn”…
Những tồn tại của ngành Y tế như nhiều trẻ em bị tử vong sau khi tiêm phòng, bệnh viện quá tải, chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế công lập chưa tốt, vấn đề y đức còn bị xem nhẹ… đã khiến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng như ngành y không nhận được sự tín nhiệm.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mặc dù được BCHTW khóa XI giới thiệu nhưng không trúng cử và ngành Y tế cũng không có đại diện nào được bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Hãy công bằng với Bộ trưởng Tiến
Nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Bộ trưởng Tiến đúng là sóng gió, nhưng cũng phải công bằng trước những kết quả mà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và ngành y tế đã làm. Những nỗ lực đó trước hết xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo, sự am hiểu sâu sắc về ngành y, sự sâu sát trong hoạt động quản lý, đặc biệt là công tác y tế dự phòng.
Chưa từng có một Bộ trưởng Y tế nào của Việt Nam đưa ra đề nghị các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, trong đó có những bệnh viện “nổi tiếng” về quá tải như: Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Lão khoa, Bệnh viện E…
Việc các bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép không chỉ đã giải tỏa được tâm lý khi đi điều trị của các bệnh nhân, mà qua đây còn giúp các bác sĩ, cơ sở y tế chăm sóc và điều trị bệnh nhân được tốt hơn. Cùng với việc cam kết không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 tiếng, Bộ Y tế đã triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Hiện cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với 98 bệnh viện vệ tinh nằm trong Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 với 10 chuyên ngành là nội, ngoại – chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Đây là đề án đem lại hiệu quả thiết thực cho y tế địa phương và giúp giảm tải hiệu quả cho y tế tuyến trung ương.
Đề án đổi mới phong cách phục vụ, nhằm hài lòng người bệnh của Bộ trưởng Y tế đã để lại dấu ấn quan trọng trong đổi mới từ quan điểm đến hành động của ngành, đó là việc xác định “lấy người bệnh làm trung tâm” trong điều trị và chăm sóc.
Các cán bộ y tế đã được tập huấn cụ thể từ thái độ, nét mặt, ánh mắt cho đến cách chào hỏi, cách xin lỗi, cách cảm ơn, cách lắng nghe khi giao tiếp với bệnh nhân trong quá trình tiếp đón, khám và điều trị.
Nhiều giải pháp cụ thể được triển khai, nhằm từng bước nâng cao chất
lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Dưới thời của Bộ trưởng Tiến, các dịch bệnh tái và mới nổi hoành hành trên toàn thế giới, đe dọa tính mạng người dân, như Ebola, Mers CoV, Zika, sốt xuất huyết... Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, chúng ta đã ngăn chặn thành công virus nguy hiểm chết người này xâm nhập vào nước ta.
Vì mục đích nhân đạo, nước ta chính thức cho phép mang thai hộ. Chính vì thế việc 2 ca mang thai hộ thành công đầu tiên ở nước ta vào năm 2015 được công bố là thành tựu y học đáng kể thể hiện tính nhân văn sâu sắc đối với những người dân không có cơ hội làm mẹ tự nhiên.
Một thành tựu cho thấy năng lực của Bộ trưởng Tiến đó là đưa ngành sản xuất vắc xin ở nước ta lên một tầm cao mới. Năm 2015, việc vắc xin Việt Nam đã đạt chuẩn xuất khẩu ra thế giới. Hiện, Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vắc xin. Hiện tại, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu được vắc xin sởi, vắc xin tả và vắc xin viêm gan B,C ra các nước.
Lĩnh vực khám chữa bệnh cũng đã có nhiều biến chuyển đáng kể. Trong 5 năm qua, nhiều chuyên gia y tế ở Việt Nam đã được khẳng định tầm vóc trên quốc tế và khu vực. Đỉnh cao phải kể đến là tiến hành vận chuyển và ghép tạng xuyên Việt thành công cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim và gan.
Sự kiện này không chỉ là lần đầu tiên có ở Việt Nam mà ngay cả y học thế giới cũng chưa từng ghi nhận. Các bác sĩ phải chạy đua với thời gian, nguồn tạng được vận chuyển dài nhất từ trước tới nay.
Từ một người hiến tạng chết não, hai thận đã được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn tim và gan được các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức chuyển ra Hà Nội để ghép cho 2 bệnh nhân suy tạng nặng.
Video: Bác sỹ bệnh viện Bạch Mai cứu sống bệnh nhân ngưng tim nhiều lần
Năm 2015 cũng là năm Hội vận động hiến tạng bước đầu đã được phong trào hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến mô, tạng khi chết não.
Có thể nhận thấy, Bộ trưởng Tiến cũng đã thể hiện được tài “chèo lái” một ngành phức tạp như ngành Y, với rất nhiều những tiến bộ về mặt chuyên môn và dịch vụ. Hàng loạt các đề án như: giảm tải bệnh viện, đề án luân phiên, phát triển y tế biển đảo, đề án phát triển bảo hiểm y tế toàn dân... đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và đang được triển khai.
Đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quy hoạch các bệnh viện tuyến trung ương giúp nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Một nhiệm kỳ mới với rất nhiều thách thức cho chiếc ghế nóng ở Bộ Y tế, khi mà dịch bệnh, tai biến y khoa vẫn xảy ra; thái độ, ứng xử của y – bác sỹ và nhân viên y tế chưa đúng mực còn tồn tại.
Bình luận