• Zalo

Tai biến chạy thận 8 người chết ở Hòa Bình: Bác sĩ Hoàng Công Lương gửi tâm thư tới Tổng bí thư

Sức khỏeThứ Bảy, 21/04/2018 14:43:00 +07:00Google News

Bác sĩ Hoàng Công Lương ngày 20/4, đã viết tâm thư, mong muốn vụ án của mình được xét xử công khai, đúng người, đúng tội.

Bức thư của bác sĩ Lương đề gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nrước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Bác sĩ Lương hiện là bị can trong vụ án Vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan sự cố y khoa khiến 8 người chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong ngày 29/5/2017. Bác sĩ Lương bị truy tố về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

bacsiluong1-5985-1524281818

Bác sĩ Hoàng Công Lương. 

Trong thư, bác sĩ Lương xưng là "cháu", sinh năm 1986, công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ là bác sĩ điều trị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ anh nuôi mơ ước học tập để trở thành bác sĩ.

Lương tốt nghiệp Đại học y Dược Thái Nguyên chuyên ngành bác sĩ đa khoa, năm 2011 về làm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Chia sẻ trong thư, bác sĩ Lương cho biết, ngày 28/5/2017, công việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO của đơn nguyên thận được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Phòng vật tư - trang thiết bị y tế của bệnh viện cử người giám sát quá trình này.

Ngày 29/5/2017, sau khi nhận được thông báo đã sửa chữa bảo dưỡng xong hệ thống nước RO, có thể chạy thận hoạt động bình thường (có biên bản bàn giao), các điều dưỡng khởi động hệ thống nước này và thấy các chi số trong giới hạn bình thường. 

Sau khi rửa máy, kiểm tra máy chạy thận kết quả các chỉ số bình thường, các điều dưỡng đã lắp quả lọc máu vào máy và thử tiếp vẫn thấy máy hoạt động bình thường. Bác sĩ Lương cùng hai bác sĩ khác chia nhau đến các buồng bệnh khám sàng lọc cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, ca chạy thận nhân tạo đầu tiên đang tiến hành được hơn 30 phút, một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngứa khắp người, tức ngực, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Ngay lập tức, việc chạy thận nhân tạo cho tất cả bệnh nhân đều dừng lại. Đồng thời tất cả y bác sĩ của Đơn nguyên thận nhân tạo, sau đó có sự hỗ trợ của Đơn nguyên hồi sức tích cực nhanh chóng cấp cứu cho các nạn nhân.

Sự cố hy hữu đã khiến 8 bệnh nhân tử vong, 120 bệnh nhân suy thận mạn phải chuyển về các bệnh viện tại Hà Nội để chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân tử vong sau đó được xác định là do trước đó một ngày, đơn vị sửa chữa bảo dưỡng đã bất cẩn để tồn dư một lượng lớn hóa chất trong hệ thống nước RO để chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ Lương nhấn mạnh, công việc liên quan đến sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước RO "không liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm của cháu và các đồng nghiệp". Anh cho rằng họ đã thực hiện công việc của mình "theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014" và khi đã được bàn giao từ phòng Vật tư để sử dụng thì có nghĩa "nguồn nước đã đảm bảo an toàn".

"Bác sĩ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu bệnh nhân tử vong, nhưng không thể buộc chúng cháu phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ của mình", bác sĩ Lương viết. Vì thế, khi bị truy tố về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Lương cảm thấy bàng hoàng, đau xót "vì trách nhiệm đó không thuộc về mình, hậu quả nghiêm trọng đó do những người có trách nhiệm gây ra".

Gần một năm qua bác sĩ Lương cho biết minh không một ngày nào không nghĩ về sự cố đã xảy, luôn sống trong thân phận của một bị can sắp phải đứng trước vành móng ngựa. Cả gia đình của anh phải sống trong điều tiếng, bất an. Bác sĩ Lương bị cấm đi khỏi thành phố Hòa Bình. 

Bác sĩ Lương cho biết, bức thư này là tâm thư được chắt lọc từ nước mắt, niềm tin của mình với mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ giúp đỡ, xem xét lại bản chất vụ án, xét xử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; đúng người, đúng tội.

Sự cố nghiêm trọng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra hồi tháng 5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Đơn nguyên thận nhân tạo tại bệnh viện bị niêm phong để phục vụ quá trình điều tra nguyên nhân tai biến. Hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện phải về các bệnh viện Hà Nội hoặc đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để lọc máu theo chu kỳ.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án. Ông Trương Quý Dương bị cách chức giám đốc bệnh viện.

Ngày 22/2, VKSND tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành cáo trạng và ra quyết định truy tố ba bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, về các tội "Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngày 28/2, VKSND tỉnh Hòa Bình có thông báo đính chính Quyết định truy tố. Theo đó, bác sĩ Lương chỉ bị truy tố với tội danh "thiếu trách nghiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Video: Tai biến chạy thận 8 người chết ở Hòa Bình: Vì sao không truy cứu giám đốc bệnh viện?

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn