• Zalo

Tác phẩm 'Chiếc lược ngà' vào đề Văn tuyển sinh lớp 10 tại nhiều tỉnh, thành cả nước

Giáo dụcChủ Nhật, 02/06/2019 16:26:00 +07:00Google News

Tác phẩm "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng) vào đề thi Ngữ văn tuyển sinh 10 của TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Hải Dương.

Một tác phẩm với nhiều cách khai thác

Tại TP.HCM, đề thi yêu cầu thí sinh cảm nhận về tình cảm mà người cha dành cho con trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc một tác phẩm khác viết về đề tài gia đình để thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình.

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên dạy văn THPT Bình Hưng Hoà, TP.HCM cho biết, câu Nghị luận văn học này khá quen thuộc với học sinh vì các em được luyện tập nhiều ở trên lớp. Phần liên hệ có tính phân hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu chung của một đề tuyển sinh.

"Giá như câu Nghị luận văn học trích dẫn một đoạn văn đặc sắc trong tác phẩm và yêu cầu học sinh cảm nhận, sau đó đến phần liên hệ thì sẽ hay hơn nhiều. Với cách hỏi này, học sinh không còn ghi nhớ kiến thức một cách máy móc và các em làm bài sẽ sâu sắc hơn", thầy Hoài nêu quan điểm.

61956392_2155497707838632_5598208640172425216_n

 

61462905_2155497764505293_7159640697803374592_n 3

 Đề thi Ngữ văn TP.HCM. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Nhận xét về đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào 10 ở TP. Đà Nẵng, thầy Phan Thế Hoài, bình luận: "Câu 1 chỉ đơn thuần kiểm tra kiến thức tiếng Việt nên nội dung khá đơn điệu. Câu Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bàn luận về ý nghĩa của lời chào trong giao tiếp hàng ngày không gây khó cho học sinh, vì vấn đề được nói đến rất quen thuộc.

Câu Nghị luận văn học có cấu trúc tương tự đề thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT. Nội dung câu hỏi hay khi yêu cầu học sinh phân tích sự thay đổi tâm trạng của bé Thu trong hai đoạn trích từ tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Với câu hỏi này, học sinh phải biết phương pháp làm bài so sánh hai sự việc, chi tiết trong cùng một tác phẩm để thấy được sự thay đổi tâm trạng của nhân vật".

devan5 4

 Đề thi Ngữ văn TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Trường Người Ta)

Bình luận về đề thi của tỉnh Hải Dương, thầy giáo dạy Văn cho biết cấu trúc đề thi có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu lấy ngữ liệu là một bài thơ từ sách giáo khoa với 4 câu hỏi đi kèm chủ yếu yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức. Câu Nghị luận xã hội tương đối dễ dàng khi yêu cầu học sinh bày tỏ về thái độ cần có đối với quê hương đất nước.

"Câu Nghị luận văn học hay, thực sự gây hứng thú cho học sinh vì đoạn trích nói đến cảnh ông Sáu chia tay con rất cảm động. Từ đó, học sinh hiểu thêm về tình phụ tử trong chiến tranh và các em có ý thức vun đắp thêm về tình cảm gia đình trong cuộc sống", thầy Hoài phân tích.

devan2 5

 Đề thi Ngữ văn tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Trường Người Ta)

Hiểu thêm về tác phẩm "Chiếc lược ngà"

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc và bắt đầu viết văn.

Những năm chống Mĩ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

Nói về hoàn cảnh viết truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng tâm sự: “Năm 1966, tôi từ miền Bắc trở về miền Nam. Vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng. Tôi đi ghe vào sâu trong rừng và sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây. Lúc đó, đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ. Tôi rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Sau khi nghe cô kể chuyện, tôi ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này”.

Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

CAO NGUYÊN
Bình luận
vtcnews.vn