Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và cấp cứu cho bà N.T.H. (47 tuổi, tại Phú Thọ). Bà H. nhập viện trong tình trạng khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi.
Gia đình cho biết, sau một thời gian một thời gian mổ thay van tim nhân tạo, bà H. xuất hiện các triệu chứng như trên nên phải nhanh chóng nhập viện cấp cứu.
Qua thăm khám và kết quả phim chụp siêu âm, bà H. được xác định cả 2 cánh van tim đều không di động, chênh áp qua van lớn trên 20mmHG… Bác sĩ chỉ định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để phẫu thuật cấp cứu thay van tim và lấy huyết khối.
Tuy nhiên, bệnh nhân chưa kịp chuyển viện thì sức khoẻ chuyển biến xấu. Bệnh nhân khó thở, phù phổi cấp, huyết áp tụt nhanh xuống 80/50 mmHg, tiên lượng có thể chết trên đường xuống bệnh viện tuyến trên.
Bằng kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiến hành hội chẩn khẩn cấp, cố gắng cấp cứu bệnh nhân bằng phương pháp tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch.
Sau 15 phút truyền thuốc, tình trạng bệnh nhân dần được cải thiện, thở dễ, huyết áp bắt đầu tăng lên 100/60mmHg, siêu âm tim thấy 2 cánh van mở hoàn toàn, chênh áp qua van bình thường.
Hiện tại sau 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân tương đối ổn định.
Chia sẻ về ca bệnh, BS Nội trú Nguyễn Đình Việt cho biết, đây là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhân kẹt van tim.
“Tắc nghẽn van tim cơ học do cục máu đông, là mối hiểm họa lớn nhất cho các bệnh nhân phải thay van tim nhân tạo. Bệnh nhân có thể mất mạng nhanh chóng sau vài phút, nếu cục máu đông bít tắc hoàn toàn, khiến máu không lưu thông được.
Trước đây, khi chưa phát triển kỹ thuật chẩn đoán, có tới 50% ca tử vong do kẹt van cơ học được phát hiện khi xét nghiệm tử thi. Do vậy, việc chẩn đoán phát hiện sớm kẹt van tim có ý nghĩa sống còn với người bệnh”, BS Việt nhấn mạnh.
Video: Thoát chết nhờ ném tiền ra đường khi lên cơn đau tim
Bình luận