Máy rửa bát ngày nay trở thành vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình vì nó giúp con người đỡ vất vả trong công việc nội trợ, giảm thời gian làm việc nhà, bảo vệ da tay do giảm sự tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Bát đĩa rửa bằng máy cũng sạch hơn.
Tuy nhiên, tác hại của máy rửa bát vẫn tồn tại và nếu biết về nó, bạn sẽ có cách để hạn chế, khắc phục.
Tác hại của máy rửa bát đến từ dâu?
Theo Cnet, các nhà khoa học Slovenia khuyến cáo, môi trường ẩm ướt, nhiệt độ cao, nồng độ muối và các chất tẩy rửa đọng lại bên trong máy rửa bát là điều kiện lý tưởng để các loại nấm phổ biến như Candid, Cryptococcus và Rhodotorula phát triển.
Nina Gunde-Cimerman, giáo sư vi sinh học tại Đại học Ljubljana, Slovenia đã tiến hành nghiên cứu trên 189 chiếc máy rửa bát của các gia đình tại 101 thành phố ở cả 6 châu lục và phát hiện, 62% số thiết bị có nấm trên gioăng cao su ở cửa máy, 56% trong số đó có nấm men đen Exophiala dermatitidis và họ hàng của nó là nấm Exophiala phaeomuriformis.
Tệ nhất là loại nấm này có thể chịu được sức nóng, nồng độ muối cao, chất tẩy rửa mạnh và cả nước axit lẫn kiềm. Vì thế, chúng vẫn tồn tại với nhiệt độ 60 - 80 độ C trong máy rửa bát, vẫn sống khỏe dưới tác động của muối và chất tẩy rửa trong máy.
Tuy nhiên, GS Erica Hartmann thuộc Đại học Northwestern (Mỹ), cho rằng chúng ta không nên quá lo sợ về việc tìm ra nấm, vi khuẩn, virus trong thiết bị nhà bếp bởi rủi ro mắc bệnh thấp. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn, nấm mốc.
Đối với nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ máy rửa bát, chúng ta có thể giảm rủi ro bằng cách vệ sinh máy thường xuyên. Cần chú ý làm sạch các lỗ cao su thoát thức ăn và dùng bàn chải nhỏ nhúng nước ấm pha dấm, baking soda hay chất tẩy rửa để vệ sinh xung quanh cánh tay phun nước.
Phía bên trong máy, cần dùng hỗn hợp nước và chất tẩy rửa để lau đều các cạnh viền, cửa và khoang chứa, kể cả những góc khuất hay đọng nước bẩn. Ngoài ra, cần gắp bỏ thức ăn kẹt trong máy để vi sinh vật không có cơ hội phát triển. Có thể cho giấm hay nước cốt chanh vào ngăn chứa nước rửa bát, mở máy chạy chu kỳ ngắn ở nhiệt độ cao để làm sạch máy.
Sai lầm thường gặp khi dùng máy rửa bát
Để có thể sử dụng máy rửa bát hiệu quả nhất, bạn cần tránh những sai lầm sau.
Làm sạch bát đĩa trước khi cho vào máy
Đây là sai lầm rất nhiều người mắc phải, với ý nghĩ việc loại bỏ bớt thức ăn thừa bám trên bát đĩa sẽ giúp máy lâu hỏng hơn, tránh tắc nghẽn. Trên thực tế, việc loại bớt chất bẩn trước khi cho bát đĩa vào máy không chỉ vô ích mà còn gây tốn công tốn của. Hiện nay các loại máy rửa bát đời mới đều có cảm biến để xác định mức độ bẩn để xác lập chế độ, thời gian rửa phù hợp.
Với động tác thừa kể trên, bạn vừa vất vả thêm vừa tốn không ít nước và cả điện làm ấm nó trong mùa lạnh.
Không phân loại bát đũa theo độ bẩn
Đừng cho bát đũa sạch bẩn khác nhau vào cùng một mẻ lớn, vì một số bát đĩa cần nhiều thời gian hơn để làm sạch triệt để. Trước khi xếp vào máy, bạn nên phân loại bát đĩa theo mức độ bẩn để máy hoạt động tốt nhất.
Cách sắp xếp đúng là làm đầy máy từ sau ra trước để tối đa hóa không gian, đặt dao kéo hướng xuống dưới để tránh gây xước, hỏng máy. Nếu có thể, nên hạn chế cho dao, thớt gỗ, vật dụng sắc nhọn vào máy vì chúng có thể ảnh hưởng tới bề mặt các vật dụng khác trong khi rửa, và làm máy nhanh hỏng hơn.
Xếp nồi lộn xộn
Bạn cần chú ý khi đặt nồi vào máy rửa bát để không chặn dòng nước phun lên những chiếc bát, đĩa nằm phía dưới, khiến chúng không được làm sạch đầy đủ. Với những nồi, chảo có kích thước lớn, chiếm diện tích rộng, bạn tự mình rửa bằng tay vẫn hơn.
Chỉ áp dụng một chế độ rửa
Nếu chỉ dùng chế độ Auto (tự động) hoặc Normal (thông thường), bạn đang lãng phí nhiều tính năng của máy. Các loại máy rửa bát hiện đại có nhiều tính năng giúp bạn linh hoạt lừa chọn cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Để tận dụng tối đa, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để chọn chu trình phù hợp với độ bẩn của bát đĩa trong từng tình huống.
Bình luận