• Zalo

Tác giả 'Tàu anh qua núi' - vụ tự tử bí ẩn

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 16/10/2012 09:34:00 +07:00Google News

Một đêm chủ nhật mùa thu, Phan Lạc Hoa đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tự tử. Cái chết của ông để lại nhiều thương tiếc lẫn hệ luỵ...

Một đêm chủ nhật mùa thu, Phan Lạc Hoa đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tự tử. Cái chết của ông để lại nhiều thương tiếc lẫn hệ luỵ...


Một bác sỹ nội trú đã lấy bệnh tật và cuộc đời Phan Lạc Hoa làm luận văn tốt nghiệp, nhưng cũng như nhạc sỹ tài hoa, bản luận văn ấy không còn.

Nỗi đau chồng chất

Tuy đã ly dị, nhưng không có nhà riêng, Phan Lạc Hoa và Thanh Hoa vẫn chung một căn hộ tập thể chật chội được ngăn đôi bằng bức phên cót.

Bút tích Phan Lạc Hoa dành cho bác sĩ Sao Hồng, hồi đó là sinh viên thực tập. 
Tinh thần ngày càng hoảng loạn, những bữa rượu suông đói cơm triền miên và những canh bài thâu đêm khiến Phan Lạc Hoa phải vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai với bệnh án teo xơ gan, tổn thương vỏ não và loét nặng 2/3 dạ dày.

Năm 1981, ông trở thành “bệnh nhân yêu mến” của khoa Tâm - Thần kinh, Bệnh viên Bạch Mai. Cuộc đời và bệnh tật của ông được một sinh viên nội trú quan tâm, chọn làm luận văn tốt nghiệp Bác sỹ nội trú khóa 1979-1982.

Bác sỹ Sao Hồng nhớ lại buổi bảo vệ luận văn mang tên “Tâm căn, bệnh do căn nguyên tâm lý và sang chấn tinh thần”: “Tôi đã khóc khi nghe anh Việt trình bày luận văn trước hội đồng. Bản luận văn như một tiểu thuyết cuộc đời chìm nổi của Phan Lạc Hoa thấm đẫm nước mắt và nhân tình thế thái. Mà không riêng gì tôi. Các bạn tôi, các bác sỹ, y tá và hộ sinh đều rơi nước mắt”. 

Bệnh nhân Phan Lạc Hoa, sau một thời gian điều trị cuối cùng được chẩn đoán thể tâm căn. Thể bệnh này không gây nguy hiểm cho xã hội cũng như bản thân họ. Chính chẩn đoán cuối cùng này đã tránh cho ông khỏi phải đi điều trị lâu dài ở… Trâu Quỳ, nơi có Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Nỗi đau của Phan Lạc Hoa càng chồng chất khi cậu con trai bé bỏng Phan Cao Nguyên mất đi. Hơn một tuổi, Cao Nguyên bị tiêu chảy nhưng mức độ chưa trầm trọng. Khi vào Viện Nhi (hồi đó đang ở trong Bệnh viện Bạch Mai) điều trị, cháu nằm chung phòng với một cháu trai cùng tuổi nhưng bị bệnh nặng hơn.

Hai đứa khá giống nhau nên y tá điều trị đã sơ suất không “3 tra 3 chiếu” khi thực hiện chỉ định truyền dịch của bác sỹ. Thay vì thực hiện cho cháu bên cạnh, y tá đã truyền cho cháu Nguyên. Kết quả là cháu Nguyên bị phù phổi cấp không cứu được.

Bác sỹ Sao Hồng nói: Chuyện này, tôi nghe các anh lớp trên đi học lâm sàng Nhi kể lại. Cho đến bây giờ, mình vẫn nghĩ, nếu Cao Nguyên còn sống, chắc bệnh nhân Phan Lạc Hoa không tìm cách giải thoát bế tắc một cách bi thương như thế...

Phan Lạc Hoa vẫn sống giữa hai trạng thái, lúc trầm cảm, lúc tỉnh táo và lao vào sáng tác ngay tại bệnh viện như thể đang đi an dưỡng.

Mỗi lúc ông về căn hộ tập thể, tiếng cười rộn rã bên kia tấm phên cót là tiếng đau xé lòng của bên này. Nhưng không thể ngờ, nhạc sỹ đã tự chọn cho mình cái chết vào “đêm chủ nhật định mệnh” đó.

Bác sĩ Sao Hồng (trái) thời sinh viên 
Những đêm cuối cùng nghe Thanh Hoa hát

30 năm đã trôi qua, bác sỹ Sao Hồng vẫn không thể quên đêm chủ nhật, 19 tháng 9 năm 1982, một đêm thu Hà Nội se lạnh.

Đêm ấy ca sỹ Thanh Hoa - đã hoàn thành thủ tục ly hôn trước đó một tháng- có một đêm xuất thần trong cả hai sô diễn tại Rạp Công Nhân và Nhà hát Lớn.
 
“Tôi có được giấy mời từ ông dượng là sếp của báo Lao Động, vì thế, đêm 19/9, tôi là một trong những khán giả của Rạp Công Nhân (đường Tràng Tiền). Những bài hát nức tiếng mà ca sỹ Thanh Hoa hát tối đó tôi cũng đã nghe nhiều lần nhưng chưa bao giờ chán: Tàu anh qua núi, Tình yêu trên dòng sông quan họ, Em vẫn đợi anh về.

Hôm đó, tôi biết vẫn như thường lệ, “bệnh nhân đặc biệt” được “tại ngoại” và đang đứng bên cánh gà của Rạp Công Nhân.

Như bao lần ông kể, sau khi ly thân, mỗi lần Thanh Hoa đi hát, là ông tự nhủ mình hãy ở nhà.

Nhưng rồi, khi thì vì bạn bè, khi thì vì con cái mà ông đến nghe “người đàn bà hát”. Cũng có lúc ông đến với đêm diễn của vợ mình như người… mộng du.

Những khi như thế giọng hát của Thanh Hoa càng vút cao và những tiếng vỗ tay không dứt yêu cầu ca sỹ hát lại, thì ông cảm thấy như ngực mình nhói đau và đầu óc quay cuồng.

Cùng hai con và bạn bè thân thiết đi “cổ vũ” cho vợ mình, nhưng ông thường hoặc ra về trước với con hoặc một mình theo các “chiến hữu” đi… cuốc lủi. Thanh Hoa có nhiều người đưa đón và thường kéo nhau đi ăn hay uống nước sau buổi diễn.

Rạp Công Nhân lúc 20 giờ, khi hát xong phần của mình, ca sỹ Thanh Hoa “chạy sô” sang Nhà hát Lớn ngay đầu đường Tràng Tiền. Vì nói như ngôn ngữ bây giờ, khi đó Thanh Hoa đang là ca sỹ hot. Ông, con gái và bạn bè tất nhiên cũng theo sang.

Tại Nhà hát Lớn, ba bài hát kết thúc chương trình của “người đàn bà hát”: Tàu anh qua núi, Vì sao anh ra đi, Em vẫn đợi anh về, như giọt nước cuối cùng làm tràn căng cái hộp sọ đã quá u uất, và đẩy bệnh nhân đến tận cùng tuyệt vọng.

Hôm sau, sinh viên trường Y và Khoa Tâm - Thần kinh bệnh viện Bạch Mai được báo tin “bệnh nhân đặc biệt” sẽ không bao giờ trở về nữa.

Xung quanh cái chết của Phan Lạc Hoa có rất nhiều lời đồn đoán và thêu dệt.

Ông tự tử nhưng không để lại một lá thư tuyệt mệnh nào. Cả Bộ môn, Khoa Tâm thần và sinh viên tiếc nuối cảm thương xen lẫn chút ân hận vì giá như đừng để nhạc sỹ về thăm nhà vào Chủ nhật đó!

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cho biết theo lời kể của Thanh Hoa thì sau đêm diễn, khi các con đã ngủ, Phan Lạc Hoa pha cà phê “thương lượng” với Thanh Hoa hủy giấy ly hôn, nhưng không được.

Anh tuyên bố cả hai sẽ “đi tàu suốt” (nghĩa là cùng chết). Thanh Hoa sợ quá chạy sang nhà cô gái bên cạnh.

Một lát, nghe tiếng đạp tường vọng sang, Thanh Hoa có linh tính không ổn, chạy về nhà từ cửa sau, không thấy Phan Lạc Hoa ở trong nhà, còn cửa trước đã bị khóa ngoài.

Sợ quá, Thanh Hoa chạy vòng dãy nhà A4 gõ cửa nhạc sĩ Lê Đình Lực. Khi Thanh Hoa và Lê Đình Lực đến hiên trước cửa nhà thì thấy Phan Lạc Hoa đã treo cổ, liền kêu cứu.

Mọi người đưa được Phan Lạc Hoa xuống, rồi đưa anh sang bệnh xá khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam cấp cứu, nhưng đã muộn, vì trước đó anh uống cà phê pha rượu… Sau cái chết đó, Thanh Hoa phải đối diện những lời thoá mạ và chỉ trích phi lý của người đời.

Sinh viên trường Y đi dự đám tang Phan Lạc Hoa kể lại, những chiến hữu văn nghệ tâm giao với ông, trước lúc ném cho ông nắm đất, đã tưới lên ông những ly rượu trắng uống dở và thề sẽ trả thù. Nói thế thôi, chứ lúc đó họ không hiểu họ sẽ trả thù ai và vì cái gì.

Sau giỗ trăm ngày, Thanh Hoa đi hát trở lại. Vẫn những bài hát quen thuộc ngày nào. Cũng chính giọng hát và những bài hát đó. Tiếng hát vút lên có lúc như nghẹn lại. Phần lớn khán giả đón đợi và chia sẻ sự cảm thông với ca sỹ. Nhưng không phải buổi diễn nào cũng êm thấm.

Sao Hồng nhớ đêm Thanh Hoa biểu diễn ở trường Y sau cái chết của Phan Lạc Hoa, xen lẫn tiếng vỗ tay là tiếng la hét chửi rủa: “Đồ sát chồng”, “Xuống đi”... Những lúc đó, Thanh Hoa đi xuống sau cánh gà với vị nước mắt đắng chát.

Những sinh viên, bác sỹ hiểu và thông cảm cho Thanh Hoa như Sao Hồng vẫn chiếm số đông. Vì thế Thanh Hoa mới đến trường hát như ngày nào.

Hơn 30 năm đã trôi qua, khoa Tâm - Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai giờ cũng đã thay đổi nhiều so với thời “bệnh nhân đặc biệt” Phan Lạc Hoa điều trị. Không còn những bờ dậu thưa để sinh viên thực tập có thể qua lại dễ dàng gặp các bệnh nhân tâm thần.

Bác sỹ Kim Việt - người mà trong trí nhớ của Sao Hồng là đọc luận văn về cuộc đời Phan Lạc Hoa - giờ đã là Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần.

Bác sỹ Việt cho hay thời gian đã quá lâu, bệnh án, luận văn về Phan Lạc Hoa rất khó tìm lại. Nhưng trong trí nhớ của ông, Phan Lạc Hoa cũng là một bệnh nhân bình thường của Khoa Tâm - thần kinh bệnh viện Bạch Mai.

Sinh viên thực tập Sao Hồng ngày nào giờ đã là một bác sỹ tuổi ngũ thập sống và làm việc ở Nha Trang.

Đối với Sao Hồng, dù bất cứ điều gì đã xảy ra với Phan Lạc Hoa, thì điều còn lại vẫn là những cảm xúc thật đẹp khi những sáng tác của nhạc sỹ này như Tàu anh qua núi, Tình yêu bên dòng sông quan họ.... đã vượt lên cả cái chết để còn mãi với thời gian.

Theo Phùng Nguyên - Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn