Theo anh Lê Ngô Chí - con trai của đạo diễn, biên kịch, nhà thơ Văn Lê - ông qua đời do bị đột quỵ. "Trước đó, cha tôi vẫn bình thường, không có triệu chứng bệnh. Ông ra đi đột ngột nhưng bình thản, không dằn vặt, đau đớn" – anh Lê Ngô Chí cho biết.
Hiện tại, linh cữu của ông được quàn tại 28 Văn Chung, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM. Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào 7h ngày 7/9, lễ động quan lúc 7h ngày 9/9. Sau đó, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Đạo diễn, biên kịch, nhà thơ Văn Lê sinh năm 1949, quê Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn nghệ Quân Giải Phóng năm 1974. Sau năm 1975, ông công tác ở tuần báo Văn nghệ Giải Phóng rồi tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ, chiến đấu ở mặt trận 479 - Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng cho tới năm 2010 thì nghỉ hưu.
Ông đã xuất bản gần 30 tác phẩm truyện, thơ như "Bão đen", "Người gặp trên tàu", "Khoảng thời gian tôi biết". "Tình yêu cả cuộc đời", "Tiếng rơi của hạt sương khuya", "Cao hơn bầu trời", "Những câu chuyện làng quê"… và nhận được gần 10 giải thưởng văn học.
Ngoài sáng tác thơ văn, ông viết kịch bản, đạo diễn phim, gặt hái nhiều thành tựu. Ông là tác giả kịch bản phim "Long thành cầm giả ca" - tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phim do Đào Bá Sơn đạo diễn, có sự tham gia của các diễn viên Nhật Kim Anh, Quách Ngọc Ngoan, Trần Lực, Bùi Bài Bình; đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2010. Riêng Văn Lê thắng hạng mục "Biên kịch xuất sắc" tại giải thưởng này.
Các tác phẩm do ông biên kịch gồm: "Thiện và ác", "Những ngôi chùa cổ Việt Nam", "Từ một bức ảnh", "Má Mười Tân Trụ"... Ông còn đạo diễn các phim tài liệu: "Cái bến", "Sợ dây thừng bện chặt", "Di chúc những oan hồn"… Các giải thưởng ông từng nhận gồm giải Bông Sen Vàng và giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim "Di chúc những oan hồn"; giải Bông Sen Bạc cho các phim "Cái bến", "Niềm vinh quang lặng lẽ", "Yến và người"…
Bình luận