Mới đây, cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.
PGS.TS. Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Sáng 25/11, PV VTC News đã phỏng vấn PGS.TS. Bùi Hiền xung quanh những đề xuất đang khiến dư luận xôn xao.
- Công trình nghiên cứu cải cách tiếng Việt được ông bắt tay thực hiện từ khi nào, thưa ông?
Thực ra, vấn đề này không phải mới. Việc này được tôi bắt tay vào nghiên cứu từ hơn 30 năm về trước. Bây giờ tôi mới đưa ra được một nửa đề án. Tức là mới có một phần về phụ âm, còn nguyên âm tôi chưa đưa ra.
Về nghiên cứu của mình, tôi mới chỉ đưa ra ở khuôn khổ là báo cáo khoa học trong giới ngôn ngữ học để tranh thủ lấy ý kiến từ các đồng nghiệp. Đây không phải là một cuộc trưng cầu dân ý vì không phải là đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của Nhà nước mà chỉ là ý kiến của một cá nhân.
Video: Tác giả đề xuất cải cách tiếng Việt 'Luật giáo dục' thành 'Luật záo zụk' nói gì khi bị lên án?
- Khi bắt tay vào thực hiện công trình nghiên cứu này, ông có lường trước được những khó khăn, thử thách không?
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi sẽ làm việc này đến cùng, tôi sẽ sớm đưa ra công luận khi đã hoàn thiện nó.
PGS. TS Bùi Hiền
Trước khi báo cáo khoa học tôi cũng đã nhận được những phản ứng trái chiều cả từ dư luận và đồng nghiệp. Đa số họ thấy tiếng Việt như thế là tốt lắm rồi, cứ để yên nó như thế thôi, chẳng chết ai.
Ngay trong giới ngôn ngữ học, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít người phản đối ý tưởng của tôi. Đôi khi cũng có những người còn đang đắn đo, suy nghĩ.
Ngoài ra, việc báo chí đưa nghiên cứu chưa hoàn thiện của tôi ra trước công luận hơi vội, khi tôi chưa có sự chuẩn bị kỹ, chưa đưa ra những bản chính thức mà chỉ mới có bản tóm tắt như vậy khiến người ta hiểu không hết nên phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm tôi lường trước hết được những khó khăn xảy ra. Tôi không giật mình vì chuyện này nhưng để làm cho nó tốt, không mất công, không gây ra xáo trộn trong suy nghĩ của cả xã hội thì chưa nên đưa công trình cải cách của tôi tôi ra xã hội.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi sẽ làm việc này đến cùng. Tôi sẽ sớm đưa ra công luận khi đã hoàn thiện.
- Biết là sẽ gặp nhiều khó khăn, rào cản trong công trình nghiên cứu này nhưng lý do tại sao khiến ông quyết tâm đeo đuổi đến cùng?
Trước hết là gạt bỏ những tập quán cũ đi mà nhìn vào hiện tại, tương lai thì tính khả thi rất lớn. Không như người ta tưởng tượng là giáo dục lại toàn bộ đội ngũ, dạy học từ đầu cho tất cả. Chuyện đó là suy đoán thôi chứ không phải như thế.
Văn bản đầu tiên tôi công bố là trên Tạp chí Giáo dục Đại học cách đây khoảng 20 năm. Từ đó đến nay, năm nào Viện Khoa học Ngôn ngữ, các trường Đại học cũng đề cập vấn đề về Tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng chưa tập trung. Người ta chưa có một đề án chuyên về tiếng Việt cho nên mỗi người nói một ý.
Phải thấy việc đó là cấp thiết, không thể kéo dài được nữa, nhất là sang đến thời kỳ công nghệ 4.0. Bây giờ tôi và các bạn làm việc hầu như không viết tay nữa mà toàn đánh máy. Như vậy, chuyện dùng máy tính để truyền đạt ý kiến, tiếng nói của Việt Nam cần phải gọn, ngắn và khoa học. Hiện nay, mấy bộ Vietkey của mình vẫn còn dựa trên cái cũ nên còn nhiều phức tạp.
Trong khi đó, mỗi một giờ, mỗi một phút của chúng ta đều là tiền bạc, công sức, rất quý giá. Việc chúng ta dành quá nhiều thời gian để vật lộn với cách viết cũ thì thật là tốn công. Tôi đã thử tính, mỗi văn bản nếu chúng ta áp dụng bằng chữ mới có thể tiết kiệm khoảng 8 đến hơn 8%. Có nghĩa là 100 giờ thì tiết tiết kiệm được 8 giờ.
Bởi vậy, cải cách tiếng Việt hiện tại là vấn đề hết sức cấp thiết đối với công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta về mặt văn hóa và giáo dục. Chưa kể việc giáo dục nếu được học chương trình mới, chữ mới có thể tiết kiệm rất nhiều.
Ngoài ra, lỗi chính tả của chúng ta trong các văn bản hiện nay cũng tràn ngập. Bạn muốn biên tập cũng phải tra từ điển, phải làm rất nhiều việc và mất 8% nữa. Nếu áp dụng chữ mới, chúng ta sẽ không phải đi sửa chữa lại lỗi chính tả nữa.
Thậm chí, có người còn nói là sao thời buổi đang khó khăn thế này lại dửng mỡ đưa ra những trò đó.
PGS. TS Bùi Hiền
- Có thể nhận thấy rằng, ông rất tâm huyết và quyết tâm thực hiện công trình nghiên cứu cải tiến bảng chữ cái. Vậy ông suy nghĩ gì khi đọc những bình luận cho rằng công trình nghiên cứu của ông là viển vông, không thực tế và xa vời?
Vừa rồi, dư luận không được chuẩn bị gì cả nên họ hoảng quá và họ phản ứng một cách hơi tiêu cực. Thật ra, việc làm của tôi rất tích cực và thời sự nhưng họ không hiểu được cho nên họ phản ứng tiêu cực. Như vậy nó không lợi cho công việc của khoa học, công việc của xã hội, của văn hóa.
Thậm chí, có người đọc được ý tưởng của tôi còn phê phán nặng nề hơn. Họ nói là sao thời buổi đang khó khăn thế này lại rửng mỡ đưa ra những trò đó.
Nhưng thực tế, nếu bạn đọc kỹ bản nghiên cứu của tôi thì sẽ hiểu lý do cấp thiết vì sao phải cải cách ngôn ngữ, đồng thời là làm thế nào để cải cách được nó.
Nhưng rất tiếc công trình nghiên cứu của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh để công bố trước dư luận.
Đến tháng 3/2018, tôi sẽ báo cáo nốt phần sau để cho các đồng nghiệp tham khảo, đóng góp ý kiến và góp ý. Tôi sẽ mời báo chí đến dự, nếu các bạn nghe và thấy rằng đó là vấn đề khả thi có thể đưa ra trước công luận để lấy ý kiến.
Xin cảm ơn ông!
Video: Đào tạo 9.000 Tiến sĩ: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Bình luận