• Zalo

Tác dụng của lá cúc tần

Gia đìnhThứ Ba, 17/10/2023 15:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mọc dại ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, cây cúc tần có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, có thể chữa cảm mạo, ho... và một số chứng bệnh khác.

Cây cúc tần (cây từ bi, nan luật, cây lức hay lức ấn) có tên khoa học là Pluchea indica, thuộc họ Cúc (Asteraceae), thường mọc dại ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Tuy không phải là loại cây hiếm hoi nhưng tác dụng của lá cúc tần lại rất đa dạng. Y học cổ truyền dùng cúc tần để điều trị khá nhiều bệnh lý.

Các bộ phận của cây như cành, lá và rễ đều có thể dùng làm thuốc. Bộ phận rễ và lá của cây có thể thu hoạch quanh năm, chủ yếu là thu hái lá non và lá bánh tẻ trước khi cây bắt đầu ra hoa. Sau khi thu hoạch, người ta có thể phơi khô để dùng dần.

Tác dụng của lá cúc tần

Cúc tần là loài cây bụi có chiều cao 1 - 2m, mọc thẳng, cành non phủ một lớp lông ngắn. Lá cúc tần hình trứng, màu xanh nhạt sáng, có thể rộng từ 2 - 4m, dài 8cm, mép lá có răng cưa và tỏa ra mùi thơm khi bị vò nát. Hoa mọc thành từng cụm kèm theo 3 - 7 chuỗi lá, quả màu nâu đỏ.

Loại cây này phát triển tốt ở những vùng đất ngập nước, đất thấp ven sông, ven biển, đầm lầy nước lợ và vùng nước mặn như bãi triều hay rừng ngập mặn. Ngoài ra cây cúc tần cũng thường mọc trong rừng và nơi đất liền. Tại Việt Nam cúc tần mọc hoang hoặc được người dân ở nhiều nơi gieo trồng bằng cách giâm cành làm hàng rào.

Theo bài viết của BS Thu Vân trên Báo Sức khỏe và Đời sống, các tài liệu Đông y cho thấy cúc tần vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Tác dụng của lá cúc tần rất đa dạng: Tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hoá. Nó thường được dùng chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, thấp khớp, đau lưng, nhức xương, chấn thương…

Giải độc, giảm sưng tấy... là những tác dụng của lá cúc tần. (Ảnh: Vecteezy)

Giải độc, giảm sưng tấy... là những tác dụng của lá cúc tần. (Ảnh: Vecteezy)

BS Thu Vân cũng giới thiệu một số bài thuốc từ lá cúc tần:

Chữa đau đầu do suy nghĩ nhiều, stress: Cúc tần 50gr, hoa cúc trắng 50gr (xé nhỏ), đu đủ vừa chín tới 100gr, óc lợn 100gr. Cho cúc tần, hoa cúc trắng, đu đủ vào nồi, thêm 1 lít nước đun sôi. Sau đó, bạn cho óc lợn vào đun thêm 20 phút cho nhừ là ăn được. Ăn nóng trước bữa cơm, 2 lần/ngày, ăn liền một tuần.

Chữa đau mỏi lưng: Lấy lá cúc tần và cành non đem giã nát, thêm ít rượu sao nóng lên, đắp vào nơi đau ở hai bên thận. 

Chữa ho do viêm khí quản: 20gr cúc tần già rửa sạch, băm nhỏ, 2 nắm gạo, 3gr gừng tươi, cắt nhỏ, 50gr thịt lợn nạc băm nhuyễn. Tất cả đem nấu cháo chín nhừ. Ăn nóng khi đói, ngày 3 lần, ăn liên tục 3 ngày sẽ đỡ.

Chữa thấp khớp, đau nhức xương: Rễ cúc tần 15-20gr, sắc nước uống. Có thể phối hợp với rễ trinh nữ 20gr, rễ bưởi bung 20gr, đinh lăng 10gr, cam thảo dây 10gr, sắc uống. Dùng 5-7 ngày.

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu: Lá cúc tần tươi 20gr, lá sả 10gr, lá chanh 10gr, đem sắc với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông cho ra mồ hôi, có tác dụng giảm sốt, giải cảm.

Chữa bầm tím do va đập: Lấy một nắm lá cúc tần rửa sạch, giã nát nhuyễn đắp vào chỗ bầm tím.

Nguyệt Ánh(Tổng hợp)
Bình luận