Ngải cứu tên khoa học là Ar temisia vulgaris L., họ Cúc (Asteraceae), là loại cây cỏ sống lâu năm. Theo bài viết của lương y Huyên Thảo trên báo Sức khoẻ & Đời sống, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau...., là một vị thuốc quý trong Đông y.
Ngoài việc dùng ngải cứu tươi hoặc khô làm thuốc, bạn có thể tận dụng các tác dụng bất ngờ của tro ngải cứu trong các lĩnh vực khác của đời sống.
Tác dụng bất ngờ của tro ngải cứu
Theo Sohu, tro ngải cứu có những tác dụng tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua.
Hút ẩm và khử mùi
Tro lá ngải cứu có tác dụng khử mùi tự nhiên. Bạn hãy cho tro ngải cứu vào túi vải nhỏ rồi đặt trong nhà vệ sinh, nhà bếp hoặc tủ lạnh, nó có tác dụng khử mùi tương tự như than tre.
Những người có bàn chân ra nhiều mồ hôi gây mùi khó chịu có thể cho túi tro ngải cứu vào giày để giúp giày khô ráo, ít hôi hơn.
Làm đẹp
Làm đẹp da là một trong những tác dụng bất ngờ của tro ngải cứu. Bạn có thể kết hợp tro ngải cứu với lòng trắng trứng hoặc sữa, mật ong để làm mặt nạ. Đắp dày lên mặt và rửa sạch sau 20 phút, bạn sẽ thấy làn da trở nên sáng hơn, mịn màng, thanh khiết.
Thêm một ít tro ngải cứu vào sữa rửa mặt, bạn sẽ cảm thấy da đặc biệt sạch sẽ và sảng khoái sau khi rửa.
Những người có mụn trứng cá sưng đỏ trên mặt nếu bôi một ít tro ngải cứu lên thì mụn sẽ khô nhanh và từ từ bong ra, không để lại vết thâm.
Loại bỏ gàu, ngừa rụng tóc
Làm đẹp tóc cũng là một tác dụng bất ngờ của tro ngải cứu. Bạn đổ một ít giấm vào bát đựng tro ngải cứu, khuấy đều, sau đó cho dầu gội vào và tiếp tục trộn đều. Khi các thành phần đã hòa quyện vào nhau, bạn có thể dùng để gội đầu và massage nhẹ nhàng, xả sạch sau 3-5 phút. Việc gội đầu bằng phương pháo này 2-3 lần một tuần sẽ có tác dụng trị gàu và hạn chế rụng tóc.
Lưu ý: Đừng quên cho giấm vào tro ngải cứu để hỗn hợp được trung hòa, giúp làm sạch nhẹ nhàng, không gây hư tổn cho tóc.
Làm phân trồng hoa
Tro ngải cứu cũng là một loại phân bón tro thực vật tuyệt vời. Trước khi trồng cây hoặc hoa, bạn có thể trộn tro ngải cứu vào đất nhằm cung cấp thêm dưỡng chất cho đất. Mùi ngải cứu còn có tác dụng đuổi muỗi, khiến chúng không dám đến gần chậu cây.
Tác dụng của cây ngải cứu với sức khỏe
Ngải cứu không chỉ được sử dụng trong Đông y. Trong bài viết trên báo Sức khỏe và Đời sống, TS Võ Trọng Tuân cho biết vào đầu những năm 1950, các bác sỹ phương Tây đã phát hiện hiệu quả của ngải cứu trên lâm sàng đối với các chứng bệnh gan to, lao xương. Sau đó, nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm làm rõ hiệu quả lâm sàng của loại thảo dược này.
Theo thống kê, trong thập kỷ 60 - 70 thế kỷ trước, ngải cứu được dùng điều trị một số bệnh đơn giản với khoảng 100 chứng trạng. Đến cuối năm 2000, loại cây này được ghi nhận có hiệu quả trong phòng, trị hơn 200 bệnh và hội chứng thông thường. Các nhà nghiên cứu y khoa cũng đặt vấn đề dùng ngải cứu chữa một số bệnh phức tạp như các bệnh tự miễn (viêm giáp hashimoto, xơ cứng bì), viêm loét đại tràng mãn tính, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tâm thần...
Lương y Hoàng Duy Tân gợi ý một số cách dùng ngảo cứu để tăng cường sức khỏe, chống mỏi mệt:
- Nấu nước lá ngải cứu để ngâm tắm: Cách này có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu tình trạng đau nỏi cơ, sưng viêm.
- Uống trà ngải cứu: Cho một thìa lá ngải cứu khô băm nhỏ vào cốc nước mới sôi, đậy kín 3 - 5 phút rồi uống, có thể thêm một chút đường. Loại trà này giúp lưu thông mạch, trừ rôm sảy, giảm viêm sưng, rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú và những người cần được bồi bổ.
- Làm gối ngải cứu: Lá ngải cứu khô cho vào túi vải, làm thành cái gối để gối đầu. Loại gối này có lợi cho những người thường xuyên bị đau đầu do stress, áp lực công việc.
Bình luận