Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây thực chất chỉ là kiểu pha trộn hoặc làm giả để lôi kéo người mua với giá rẻ, chứ không hề có khái niệm "vàng non".
Những ngày này, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “vàng non” trên mạng xã hội hoặc trang tìm kiếm Google, hàng nghìn kết quả sẽ hiện ra với nhiều loại trang sức là vàng nhưng có giá rẻ bất ngờ.
Ở một group có tên gọi “trang sức vàng non cao cấp” với hơn 10.000 thành viên theo dõi, các loại vòng cổ, nhẫn, khuyên tai có giá từ 200.000-700.000 đồng được quảng cáo rầm rộ.
Liên hệ với một người bán hàng tên Trang, chúng tôi nhận được những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: “Sản phẩm chế tác từ vàng 10K nguyên chất, bên ngoài còn phủ 5 lớp vàng 18K. Người này còn khẳng định, sản phẩm bảo hành trọn đời, nếu khách hàng phát hiện sản phẩm không chất lượng sẵn sàng đền 10 và hoàn hàng không mất một đồng phí nào".
Một trang web tương tự khác quảng cáo có hàng ngàn mẫu trang sức bằng "vàng non" tuổi từ 8K, 10K, 14K, 18K trông rất bắt mắt. Trang web này còn cho biết, nhìn ngoài đời các sản phẩm vàng non này còn đẹp hơn và cho phép kiểm hàng trước khi nhận.
Chủ shop này cũng cam kết vàng đúng tuổi, không cần kiêng hóa chất, sản phẩm còn có thể bán lại ở tất cả các tiệm vàng. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý đến tận nơi xem hàng đều bị từ chối với lý do "đang mùa dịch nên không mở cửa tiệm", chỉ bán hàng online.
Với giá rẻ, mẫu mã đẹp và những lời quảng cáo ngon ngọt, những ngày này các trang mạng đã dụ rất nhiều người mua các trang sức để lấy vía Thần Tài. Chỉ đến khi đem các sản phẩm này đến tiệm vàng để kiểm tra, khách mới phát hiện ra là hàng chất lượng không như quảng cáo, thậm chí là đồ giả.
Chị Lê Thị H (Hà Đông, Hà Nội), người mua một chiếc vòng tay được quảng cáo là vàng 18K, với giá 900.000 đồng. Người bán khẳng định, chiếc nhẫn có thành phẩn đến 74% là vàng nguyên chất, đeo bền ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, sau khi về nhà, vừa đeo được vài tiếng, nhẫn vàng 18K của chị H đã nhanh chóng bị xước, lộ ra vết gỉ đen.
Chị H đem nhẫn đến thẩm định ngẫu nhiên tại điểm phân tích của một công ty vàng bạc. Kết quả phân tích tuổi vàng cho thấy, hàm lượng vàng trong nhẫn chỉ chưa đầy 27,5%.
“Lúc mua, chủ shop rất ngon ngọt, còn quảng cáo bảo hành trọn đời, nhưng khi gọi trả lại sản phẩm, chủ shop vừa nghe xong đã tắt máy, liên hệ không được. Từ giờ xin chừa với mấy món vàng non này”, chị H cho biết.
Theo các chủ tiệm vàng, trên thực tế tên gọi "vàng non" không biết từ đâu mà có. Đây là loại sản phẩm đang được bày bán rất nhiều trên các trang mạng hiện nay, nếu người mua không kiểm tra kỹ, rất dễ bị lừa.
GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý và trang sức, cho biết, về địa chất hay thị trường không hề có khái niệm “vàng non”. Thực tế, những loại được quảng cáo là "vàng non" thực chất chỉ là kiểu pha trộn, chế ra để lôi kéo người mua với giá rẻ.
Theo ông Thị, người dân không nên phí tiền vào các dạng đánh tráo khái niệm kiểu như "vàng non". Đồng thời, khi mua đồ trang sức, người dân nên tìm tới các cửa hàng vàng bạc, đá quý uy tín, tránh bị mất tiền oan bởi các quảng cáo dối trá, sai sự thật.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trọng cũng khẳng định trên thị trường không có sản phẩm nào được gọi là "vàng non". Thực tế quá trình sản xuất vàng sẽ có một số sản phẩm vàng bị non so với tuổi nhưng vẫn là vàng thật. Những sản phẩm “vàng non” đang được bày bán trên mạng xã hội phần lớn là mạ vàng rất ít, hoặc hàng giả.
Bình luận