• Zalo

Syria: Nơi cuộc sống là "địa ngục trần gian"

Thế giớiThứ Sáu, 28/09/2012 06:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Khi cánh cửa biên giới dần khép lại, con đường dẫn tới cái chết như trải rộng ra và lúc đó, họ không sự lựa chọn.

(VTC News) – Ở ranh giới phía bắc đất nước đang ngày đêm vang tiếng súng nổ, cách Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 100m, hàng ngàn người dân Syria đang phải lay lắt trong cảnh sống chẳng khác nào ‘địa ngục trần gian’.

Dưới ánh chiều tà, ít ai nhân ra họ là những ‘sinh vật hình người’ lẩn khuất sau những gốc cây ôliu rợp lá.
Mặt trời mọc. Những thân hình bắt đầu cựa quậy phía dưới tấm chăn bẩn thỉu trong túp lều tạm bợ bằng vải bạt được cột dây vào thân cây thấp xung quanh.
Lũ trẻ con nhổm dậy và bắt đầu tìm nhặt trên đất những mảnh củi, cành khô  để nhóm lửa nấu ăn. Trong khi đó, những người phụ nữ xếp hàng dài đợi lấy nước bên cạnh một chiếc thùng lớn– nơi chứa thứ chất lỏng màu trắng đục mà họ gọi là nước – thứ đã khiến biết bao người ở đây mắc bệnh tiêu chảy nhiều ngày qua.
Cách đây một tháng, ở khu vực này còn chưa có một túp lều nào. 
 Người dân Syria ở biên giới sát Thổ Nhĩ Kỳ 
Ấy vậy mà hiện nay, một số binh sĩ quân giải phóng Syria – nhóm người tự xưng là ‘nhân viên an ninh’ đã thống kê được có tới gần 6.000 người đang sống ở đây và con số còn tăng lên mỗi ngày.
“Tôi phải tới đây vì nhà tôi bị phá mất rồi. Cả đời tôi chưa từng mình sẽ phải sống chui rúc dưới những cây ôliu như thế này! ”, người đàn ông 30 tuổi có tên là Youssef Dabul từng làm quản lý tại một cửa hàng KFC ở thành phố Aleppo nói.
Nhiều cư dân ở khu ‘xóm tạm’ này cũng chia sẻ câu chuyện tương tự về những trận nã pháo ác liệt, những cuộc không kích bất thình lình ngày đêm dội xuống ngôi làng bé nhỏ hay thị trấn yên bình khiến họ phải rời bỏ tất cả để tới đây…
Anh Ousama Hamdou bế đứa con gái 2 tuổi (Maram) ngồi trên tấm vải mưa dưới gốc cây trong khi vết bỏng lớn trên ngực cô bé từ sau vụ nổ từ tháng trước vẫn còn rộp đỏ. 
Người đàn ông buồn bã kể về ngôi nhà nhỏ bị bom hay pháo (anh cũng không biết rõ) phá tan tành trong trận giao tranh quyết liệt giữa quân đội và phe nổi dậy ở Aleppo cách đây không lâu.
Khi phóng viên chỉ tay vào vết bỏng hỏi bé Maram có thấy đau không. Cô bé không có phản ứng gì. “Nó bị điếc sau vụ nổ hôm đó”, Hamdou trả lời thay con gái.
Trong khi đó, nằm trong tay kia của Hamdou là một cậu bé trông chỉ nhỉnh hơn Maram một chút với khuôn mặt chi chít những vết mẩn đỏ vì muỗi đốt cùng thân hình còm cõi, thiếu sức sống do bị căn bệnh tiêu chảy và sốt rét hành hạ.
Hamdou nói rằng gia đình anh có 8 người và đã sống lay lắt ở ‘xóm tạm’ này được hơn 2 tuần để chờ qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.
“Mỗi ngày sống ở đây là một ngày tiến gần hơn tới cái chết!”, người đàn ông Syria nói trong vô vọng…
Chen chúc chờ đợi để được sang kia biên giới lánh nạn
Hơn một năm qua, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã thực hiện ‘chính sách mở cửa’ với người tị nạn Syria nhằm giúp họ tránh khỏi các cuộc xung đột đẫm máu trong nước.
Khi ấy, người Syria chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ còn được nhân viên an ninh nước này đưa tới những khu trại được các quan sát viên ngoại quốc miêu tả là "sạch sẽ, đẩy đủ và ngăn nắp".
Tuy nhiên, hơn 1 tháng trở lại đây, số người Syria ‘chạy loạn’ tới Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới hơn 87.000 người khiến chính quyền Ankara không khỏi hoang mang và phải ‘tạm đóng cửa’ với người tị nạ từ Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Selcuk Unal trả lời phỏng vấn qua điện thoại với đài CNN: “Việc xây dựng trại tị nạn đòi hỏi nhiều thời gian hơn các cuộc tấn công đẫm máu ở Syria. 
Thế nhưng chúng tôi không định thay đổi chính sách và sẽ cố gắng duy trì hoạt động cứu trợ càng lâu càng tốt. Chỉ có điều, khả năng tài chính cũng là vấn đề cần phải cân nhắc.
Mặc dù vậy, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho chuyển những gói hàng cứu trợ bao gồm thức ăn và thuốc men tới khu vực sát biên giới phía Syria. Đó là điều tốt nhất chúng tôi có thể làm cho họ vào lúc này.”
 Trại tị nạn dành cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ 

Ở ‘xóm tạm’ dưới những gốc cây ôliu rậm lá đúng là có những thứ mà người ta gọi là ‘hàng cứu trợ’. 
Thế nhưng những món hàng đó không đủ giúp họ duy trì cuộc sống lâu dài trong khi chưa hề có một tổ chức nhân đạo quốc tế nào nói là sẽ tới đây…
Không thể chịu được cảnh sống lay lắt, khổ sở như ở ‘địa ngục trần gian’ ấy, nhiều người Syria đã tập trung gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để van xin được sang tị nạn. Tuy nhiên, đối với chính quyền Ankara, sự việc giờ đã là "lực bất tòng tâm".
Những cuộc xung đột đẫm máu xảu ra từ hồi tháng 3/2011 đã khiến hơn 30.000 người Syria thiệt mạng (theo tổ chức quan sát nhân quyền nước này) trong khi hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa, phải đi lánh nạn ở nước ngoài.
Bạo loạn không ngừng. Mưa bom. Không kích dữ dội. Cuộc sống chênh vênh giữa sống và chết vẫn ngày đêm hoành hành trên khắp các nẻo đường, tuyến phố ở thành thị cũng như nông thôn.
Để giữ lấy mạng sống, nhiều người dân Syria đã phải tìm đến những người hàng xóm Thổ Nhĩ Kỳ để cầu cứu. Thế nhưng, khi ‘cánh cửa biên giới’ dần khép lại, con đường dẫn tới cái chết như trải rộng ra và lúc đó, họ không còn nhiều sự lựa chọn.
 Thảm cảnh dân thường Syria thiệt mạng trong các cuộc xung đột đẫm máu giữa quân chính phủ và phe nổi dậy

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn