(VTC News) - Hàng trăm người biểu tình Syria đã xông vào cướp phá Đại sứ quán Arab Saudi và Qatar tại thủ đô Damascus ngay sau khi Liên đoàn Arab (AL) đình chỉ tư cách thành viên của Syria hôm 12/11 với lý do nước này cố tình trì hoãn việc thực thi một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng đàn áp đẫm máu phe đối lập.
Những người biểu tình giương cao quốc kỳ Syria và chân dung Tổng thống Bashar al-Assad, hô vang các khẩu hiệu phản đối sự can thiệp từ bên ngoài. Một đám đông quá khích đã ném đá, phá cửa xông vào làm loạn đại sứ quán Arab Saudi và xông lên nóc tòa nhà sứ quán Qatar để hạ quốc kỳ nước này và thay bằng quốc kỳ Syria.
Theo Reuters, đám đông giận dữ với gậy và dao cũng đã tấn công các Lãnh sự quán Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Latakia, cách thủ đô Damascus khoảng 330km về phía Bắc.
Cuộc họp của các nước thành viên của Liên đoàn Arab đã đưa ra quyết định rút đại sứ của họ khỏi Syria, yêu cầu chính quyền Damascus chấm dứt việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình. Cuộc bỏ phiếu này được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phớt lờ đề xuất mở một cuộc đàm phán giữa họ với phe đối lập ở Syria của Liên đoàn Arab.
Những đề xuất của Liên đoàn Arab từng được chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chấp thuận bao gồm việc trả tự do cho các tù nhân, rút các lực lượng an ninh khỏi đường phố ở đây và mở các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho hay, bạo lực vẫn tiếp tục leo thang, đặc biệt thành phố Homs là nơi phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất.
Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) trong tuần vừa qua đã đưa ra một báo cáo trong đó có các tài liệu cáo buộc lực lượng của ông Bashar al-Assad đã tra tấn và giết người trái pháp luật tại thành phố Homs, đồng thời kêu gọi Liên đoàn Arab tiếp tục tăng áp lực lên Damascus.
Tại cuộc họp được tổ chức ở Cairo (Ai Cập), 18 thành viên thuộc Liên đoàn Arab đã tham gia bỏ phiếu về việc đình chỉ tư cách thành viên của Syria, trong đó Lebanon và Yemen đã bỏ phiếu chống, còn Iraq bỏ phiếu trắng.
Phóng viên Jon Leyne của BBC ở Cairo cho hay, kết quả này không nằm ngoài dự đoán của hầu hết các thành viên thuộc Liên đoàn này. Jon Leyne nói: “Đó là một cú sốc lớn đối với Syria và có thể xem là một đòn giáng mạnh vào các nhà lãnh đạo của quốc gia này. Tuy nhiên, các nhóm đối lập vẫn kêu gọi AL phải có nhiều hành động hơn nữa, bao gồm cả việc thành lập một vùng cấm bay ở đây”.
Tuy nhiên, đại sứ Syria tại AL Yousef Ahmed cho rằng quyết định trên đã vi phạm hiến chương của Liên đoàn. Ông Youssef Ahmed đã phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước của Syria như sau: “Điều đó cho thấy Liên đoàn Arab đang đáp ứng chương trình nghị sự của Mỹ và các cường quốc phương Tây”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ tán thưởng "vai trò lãnh đạo" của AL trong hành động mang tính "tích cực" nhằm cô lập chính quyền Assad, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ nhân dân Syria trong cuộc chiến chống lại việc đàn áp dã man của chế độ Bashar al-Assad. Tại London (Anh), Ngoại trưởng William Hague tuyên bố, tình trạng bạo lực đang leo thang ở Syria thật tồi tệ và cần phải chấm dứt ngay. Còn Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe thì hối thúc cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động nhằm bảo vệ dân thường và cho phép một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.
Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad Bin Jassim tiết lộ, quyết định này sẽ có hiệu lực từ thứ 4 (16/11) tới, và cuộc đàm phán với các phe đối lập ở Syria sẽ được tổ chức trong 3 ngày tới.
Hãng tin Reuters trích lời ông Hamad: “Chúng tôi đã bị chỉ trích vì tốn quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định này. Nếu bạo lực và việc giết người không dừng lại, Liên đoàn Arab sẽ liên hệ với các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc để cùng đưa ra các biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn đổ máu”.
Ông Jassim phủ nhận quyết định trên sẽ dẫn tới sự can thiệp quốc tế ở Syria: “Không ai đề cập tới một vùng cấm bay cả. Có kẻ đang cố tình làm mọi việc rối tung lên.”
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Assad khẳng định, họ đang chiến đấu chống lại các băng đảng và các chiến binh có vũ trang. Hàng trăm binh lính và cảnh sát thuộc lực lượng của họ cũng đã bị thiệt mạng sau các cuộc đụng độ đó. Tuy nhiên, chính phủ nước này lại hạn chế khả năng tác nghiệp của các nhà báo nước ngoài, khiến việc xác định thực hư các sự kiện xảy ra ở đây trở nên vô cùng khó khăn.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tính đến nay, đã có hơn 3.500 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Syria.
M.Q
Bình luận