Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng phòng không Syria đánh chặn thành công 71 trong tổng số 103 tên lửa “mới, đẹp và thông minh” do Mỹ, Anh và Pháp phóng vào Syria ngày 14/4. Đối mặt với cả trăm tên lửa hành trình, lực lượng phòng không Syria huy động những tổ hợp phòng không có tuổi đời lên đến hơn 30 năm do Liên Xô sản xuất, bao gồm tổ hợp S-125, S-200, Buk và Kvadrat.
Cao tuổi nhất trong đó là tổ hợp phòng không S-125 Neva/Pechora, được thiết kế bởi kỹ sư tên lửa Aleksey M. Isaev để bổ sung cho khoảng trống năng lực phòng không mà các tổ hợp S-25 và S-75 bỏ lại. Tổ hợp S-125 được biên chế lần đầu năm 1961 và vẫn tiếp tục được quân đội nhiều nước sử dụng cho tới tận ngày nay, trong đó có Syria, Cuba và Triều Tiên.
Tổ hợp S-125 sử dụng 2 loại tên lửa khác nhau, tên lửa V-600 (hoặc 5V24) với đầu nổ trọng lượng 60 kg với tầm bắn 15 km và tên lửa V-601 (5V27) với đầu nổ có trọng lượng 70 kg có tầm bắn tối đa 35 km và tối thiểu 3,5 km.
Tổ hợp S-125 có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 100 m đến 18 km, còn tổ hợp S-125M ra đời năm 1970 có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao từ 20 m đến 14 km. Phiên bản S-125M1 ra đời năm 1978 sử dụng tên lửa 5V27D mới hơn.
Kể từ khi quân đội Nga bắt đầu thay thế tổ hợp phòng không S-125 bằng các tổ hợp S-300, các kỹ sư nghiên cứu nâng cấp tổ hợp này để phục vụ cho việc xuất khẩu. Trong đó, phiên bản Pechora-2M có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình với thời gian triển khai trong vòng 25 phút – quân đội Syria được cho là sở hữu 12 tổ hợp Pechora-2M và 148 tổ hợp Pechora-2.
Bên cạnh đó, tổ hợp phòng không S-200 Angara/Vega/Dubna là vũ khí tiếp theo tham gia chiến dịch đánh chặn tên lửa Mỹ ngày 14/4. Đây là tổ hợp phòng không có tầm bắn rất xa (300 km) có khả năng bắn hạ mục tiêu ở độ cao từ trung bình đến cao, được biên chế từ năm 1967 và tiếp tục được sử dụng cho tới nay. Hiện tại, Syria sở hữu khoảng 48 bệ phóng S-200VE.
Trước khi bắn hạ 71 tên lửa hành trình của liên minh do Mỹ dẫn đầu, ngày 10/2/2018, tổ hợp phòng không S-200 do Syria vận hành bắn hạ tiêm kích F-16I Sufa của không quân Israel, tiêm kích này rơi tại thung lũng Jezreel, gần Harduf, Israel. Cả 2 phi công trên tiêm kích F-16I nói trên bật dù thoát khỏi chiếc tiêm kích đang rơi nhưng đều bị thương.
Tham gia vào trận đánh ngày 14/4 còn có tổ hợp phòng không 2K12E Kvadrat, phiên bản xuất khẩu của tổ hợp phòng không 2K12 Kub. Tổ hợp này được sử dụng từ năm 1970 cho đến nay tại nhiều quốc gia, thậm chí trong số này có các quốc gia thành viên NATO. Vào năm 2012 quân đội chính phủ Syria sở hữu 195 bệ phóng 2K12.
Mỗi bệ phóng 2K12 Kub/2K12E Kvadrat bao gồm 3 tên lửa có tầm bắn 24 km và đủ khả năng hạ gục mục tiêu ở độ cao từ 500 m đến 6.000 m. Tên lửa 3M9 của tổ hợp phòng không 2K12 có trọng lượng 630 kg, được trang bị đầu dò chủ động và có thể đạt vận tốc Mach 2. Ngày 14/4, lần đầu tiên tổ hợp phòng không 2K12E Kvadrat của Syria được công bố là có tham gia đánh chặn tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh.
Video: Tổ hợp phòng không Buk-M2
Tổ hợp phòng không 9K37 Buk là tổ hợp phòng không thứ 4 tham gia đánh chặn loạt tên lửa “mới, đẹp và thông minh” do liên minh do Mỹ dẫn đầu phóng vào Syria ngày 14/4. Tổ hợp phòng không này được biên chế từ năm 1979 cho tới nay, do Almaz-Antey thiết kế và sản xuất với rất nhiều phiên bản.
Quân đội Nga sở hữu hơn 440 bệ phóng 9K37 Buk và 9K317 Buk M2 vào năm 2016, các bệ phóng 9K37 cũ đang được thay thế bằng các bệ phóng 9K317 Buk-M2 và một số bệ phóng 9K317-M3 cũng được quân đội Nga đưa vào biên chế. Còn quân đội Syria được cho là sở hữu 16-18 tổ hợp 9K317E Buk-M2E và 20 tổ hợp 9K37M1-2 Buk-M1-2.
Tên lửa 9M38 và 9M317 trên các tổ hợp Buk trong biên chế quân đội Syria có tầm bắn từ 3,3 km đến 50 km, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 15 m đến 25 km. Ngày 14/4 cũng là lần đầu tiên tổ hợp phòng không Buk tham gia đánh chặn tên lửa hành trình của Mỹ.
Ngoài ra, còn 1 tổ hợp phòng không có thể tham gia đánh chặn loạt tên lửa hành trình do Mỹ, Anh và Pháp phóng vào Syria ngày 14/4, đó là tổ hợp Pantsir-S1.
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 9/4 cho biết Nga cung cấp cho Syria 40 tổ hợp phòng không Pantsir-S1 để bảo vệ không phận nước này trước các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình.
Tuy nhiên chưa có bất cứ thông tin nào xác nhận việc tổ hợp Pantsir-S1 tham gia đánh chặn tên lửa hành trình của Mỹ. Dù có thể chưa tham chiến, song tổ hợp phòng không Pantsir-S1 có mặt trong lực lượng quân đội Syria chắc chắn sẽ ‘xé nát’ tên lửa hành trình tấn công Syria trong trường hợp xảy ra vụ không kích mới trong tương lai.
Bình luận