• Zalo

Suýt ôm bài thi đại học lên núi tránh... sóng thần

Giáo dụcThứ Hai, 08/07/2013 10:58:00 +07:00Google News

"Trên đường từ Hòa Khánh về Đà Nẵng, xe hối hả ào ào chạy ngược về hướng đèo Hải Vân. Hỏi ra mới biết người ta bảo có... sóng thần”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kể.

Trong chuỗi sự kiện thót tim của mình, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kể: "Trên đường từ Hòa Khánh về Đà Nẵng, xe hối hả ào ào chạy ngược về hướng đèo Hải Vân. Hỏi ra mới biết người ta bảo có... sóng thần”.



Là trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2013, nhiều tháng trước kỳ thi, GS Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã cho rà soát, kiểm tra tất cả các khâu chuẩn bị phục vụ cho một kỳ thi an toàn: từ nơi ra đề thi, nơi in sao đề đến các cụm thi, điểm thi, rồi chấm thi.
vận chuyển bài thi đại học
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (phải) kiểm tra công tác chuẩn bị cho đợt 1 kỳ thi năm 2013 tại một trường đại học. 

vận chuyển bài thi đại học
Các giám thị bàn giao bài thi của thí sinh thi vào đại học Sư phạm TP.HCM. 

"Thót tim"


Tại các trường tổ chức thi, các cụm thi quốc gia, GS Ga luôn nhắc nhở các đơn vị rà soát kế hoạch cụ thể để bảo quản, vận chuyển bài thi đến nơi quy định an toàn.

“Công tác vận chuyển bài thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình vận chuyển gây thất lạc, hư hỏng bài thi đều sẽ thành sự cố nghiêm trọng của cả quá trình tổ chức kỳ thi” - Thứ trưởng Ga khẳng định.


Từ khi các trường còn tổ chức thi riêng, rồi 10 năm thực hiện “ba chung” vừa qua, hầu như năm nào cũng có những tin đồn về sự cố đề thi, bài thi khiến những người tổ chức kỳ thi không thể không căng thẳng.

“May mắn, từ trước đến nay chưa từng thấy sự cố nào nghiêm trọng xảy ra đối với việc vận chuyển bài thi. Nguy cơ gây rủi ro chủ yếu là tai nạn giao thông và thiên tai bão lụt” - GS Ga tổng kết.


Tuy nhiên, vị GS từng công tác lâu năm tại đại học Đà Nẵng trước khi về làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn không quên được cảm giác “thót tim” trước những tình huống bất ngờ trong quá trình vận chuyển bài thi khi còn công tác tại Đà Nẵng. Ông kể:

Đó là những năm đầu 1990. Khi đó, điện thoại di động còn là thứ hàng quá lạ lẫm ở Việt Nam. Việc liên lạc chỉ có thể thực hiện bằng điện thoại cố định ở điểm xuất phát và đích đến. Điểm tập kết bài thi của hội đồng đại học Đà Nẵng năm đó ở quận 3 của TP, phải qua chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Hàn là cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Môn thi buổi chiều đã kết thúc từ lâu. Các điểm thi đã tập kết bài về đầy đủ. Chỉ còn duy nhất điểm thi đại học Bách khoa vẫn chưa thấy đến bàn giao. Bộ phận tiếp nhận bài thi sốt ruột vô cùng, nhưng cũng chỉ biết kiên nhẫn chờ.

Điện thoại về điểm thi thì được báo các cán bộ áp tải bài thi đã rời trường, chuyển bài theo đúng kế hoạch. Trời dần tối. Không ai còn an tâm ngồi yên được. Chắc chắn có chuyện rồi! Hội đồng thi lo lắng cử người đi tìm. Cả quãng đường không có dấu hiệu nào bất thường. Cầu Nguyễn Văn Trỗi là điểm giao thông đáng lo nhất thì vẫn thông xe bình thường.


 
Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình vận chuyển gây thất lạc, hư hỏng bài thi đều sẽ thành sự cố nghiêm trọng của cả quá trình tổ chức kỳ thi
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ
 
Thời gian chờ đợi chậm chạp trôi. Cơn mưa dông mùa hạ sầm sập kéo đến. Ngoài trời, mưa tuôn xối xả. Trong phòng, ban tiếp nhận bài thi ngập tràn lo lắng. Đủ loại tình huống được đặt ra, không loại trừ cả tình huống xấu nhất. Quãng đường không dài, cán bộ được giao vận chuyển bài thi vốn tính cẩn trọng, lại là người đã có nhiều kinh nghiệm, sao mãi chưa mang được bài thi về?


Hai giờ sau mới thấy cán bộ điểm thi và cán bộ an ninh ướt đẫm nước mưa, khuân thùng bài thi quấn kín vải nilông vào nộp. Cả hội đồng vỡ òa, phá tan không khí nghẹt thở trước đó.

Hóa ra, khi bài thi được vận chuyển đến đầu cầu thì đúng lúc có tai nạn giao thông, cầu bị tắc. Hai cán bộ áp tải bài thi sợ muộn giờ nên thống nhất quay lại bến phà để qua sông. Trên đường khuân thùng bài thi về hội đồng cũng là lúc cơn mưa lớn trút xuống. Cả hai phải tránh mưa tạm trong nhà dân, tìm vải nilông bao bọc thùng bài thi rồi mới đi tiếp.

“Cả hội đồng hú vía! Chủ tịch hội đồng biểu dương tính cẩn thận, lo xa và tinh thần trách nhiệm cao của hai đồng chí làm nhiệm vụ giao bài thi. Tuy nhiên, ông chủ tịch hội đồng cũng hóm hỉnh nhấn mạnh thêm: Nếu sự cẩn thận của hai đồng chí thấp hơn một chút, đừng quay lại phà mà chờ cầu thông rồi đi qua chắc sẽ không bị ướt đẫm nước mưa và... nhanh hơn nhiều!” - GS Ga kể với giọng đầy cảm xúc.

Suýt ôm bài thi lên núi tránh... sóng thần


Thực tế, mỗi bài thi đều gói ghém ước mơ, khát vọng bước chân vào giảng đường của từng thí sinh. Không quan trọng sao được khi một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng cả kỳ thi được tổ chức công phu, đồng thời có thể phá tan giấc mơ thí sinh đã gửi gắm, gia đình kỳ vọng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga kể tiếp:

Năm 2005, khi là hiệu trưởng trường đại học Bách khoa - đại học Đà Nẵng, GS Ga được phân công làm trưởng điểm thi trường đại học Bách khoa. Buổi thi môn lý khối A diễn ra êm ả. Giám thị coi thi nghiêm túc. Thí sinh làm bài tốt, ra khỏi phòng ai nấy đều phấn khởi. Hoàn toàn không có trường hợp nào bị xử lý vì vi phạm quy chế.

Kết thúc giờ thi, phó trưởng điểm thi được phân công đi cùng cán bộ an ninh mang thùng bài thi về Đà Nẵng để bàn giao cho hội đồng. Trên đường từ Hòa Khánh về Đà Nẵng, các anh thấy người, xe hối hả ào ào chạy ngược về hướng đèo Hải Vân. Hỏi ra mới biết người ta bảo có... sóng thần. Đồng chí điểm phó lo âu điện về điểm thi hỏi với giọng run run: “Bây giờ phải chạy về hội đồng để bàn giao bài thi hay chạy lên núi tránh... sóng thần”. Điểm thi trả lời: “Dù có sóng thần ụp tới, đồng chí cũng phải giao thùng bài thi đúng nơi tập kết”.

“Người lo lắng định ôm cả thùng bài thi lên núi tránh sóng thần bây giờ đã là hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ thông tin, đại học Đà Nẵng - TS Trần Tấn Vinh” - GS Ga “bật mí”.

Song ít ai biết điều khiến cả điểm thi thở phào không chỉ có việc đưa bài thi về đích an toàn dù có tin đồn sóng thần trên đường vận chuyển. “Sau này chúng tôi mới biết ngay trong thời gian thi, bên ngoài dân có tin đồn sóng thần sắp đổ bộ. Tin đồn lan nhanh, người dân hốt hoảng cùng nhau chạy sơ tán. Rất may, thí sinh ngồi trong phòng thi không hề hay biết nên các em vẫn yên tâm làm bài tốt” - GS Ga nhớ lại.

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận