Nguyễn Văn Minh, một thanh niên 20 tuổi, từng là một học sinh gương mẫu và đầy hứa hẹn với một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, cuộc sống của Minh hoàn toàn thay đổi khi anh phải bắt đầu quá trình chạy thận - một điều mà không ai ngờ tới ở độ tuổi của anh.
Minh vốn có thói quen thức khuya, thường xuyên thức đến 2-3 giờ sáng để chơi game và lướt mạng xã hội. Để đối phó với sự mệt mỏi do thiếu ngủ, Minh thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, uống nước ngọt có ga, và bỏ qua các bữa ăn chính. Thói quen này kéo dài suốt nhiều năm, và Minh chẳng hề quan tâm đến sức khỏe của mình.
Khi bước vào năm thứ hai đại học, Minh bắt đầu cảm thấy cơ thể có những biểu hiện lạ như mệt mỏi, khó thở, và sưng phù. Ban đầu, nam sinh viên nghĩ rằng mình chỉ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến Minh buộc phải đến bệnh viện để kiểm tra.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Minh bị suy thận giai đoạn cuối - một kết quả không thể ngờ tới ở một người trẻ tuổi. "Tôi không thể tin được, tôi mới chỉ 20 tuổi và đã phải chạy thận," Minh nói.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 850 triệu người trên thế giới bị bệnh thận, trong đó khoảng 10% số người này bị bệnh thận mạn. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội và kiêm Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nhấn mạnh rằng lối sống và chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là thận.
Hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng sống ít vận động và có chế độ ăn uống không cân bằng. Lối sống này bao gồm việc dành quá nhiều thời gian ngồi một chỗ và ít hoạt động thể lực, kết hợp với việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng và ít dinh dưỡng. Những thói quen này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như thừa cân béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường, tất cả đều góp phần vào nguy cơ mắc suy thận mạn.
Chế độ ăn uống của không ít người bị lấn át bởi sự tiện lợi của đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán và nước ngọt có ga. Những loại thực phẩm này, mặc dù ngon miệng, nhưng lại chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối, gây áp lực lớn lên thận và gan trong quá trình chuyển hóa. Khi thận phải làm việc quá sức để xử lý những chất này, chúng có thể dẫn đến tổn thương thận và phát triển thành các bệnh lý nghiêm trọng.
Một yếu tố quan trọng khác là lượng muối tiêu thụ hàng ngày. Hiện tại, người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ lượng muối gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Việc tiêu thụ quá nhiều muối gây tăng huyết áp và làm tăng gánh nặng cho thận.
Muối thừa trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng ứ nước, tăng áp lực trong mạch máu và cuối cùng làm suy giảm chức năng thận. Do đó, nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày xuống khoảng 3-4 gram, tương đương với một thìa cà phê.
Thói quen ăn uống hiện đại cũng có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu đạm và ít rau xanh. Nhiều người hiện nay tiêu thụ quá mức thịt và thực phẩm chế biến sẵn, trong khi lượng rau xanh và trái cây trong chế độ ăn uống lại giảm sút. Việc này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, gây ra các bệnh lý như đái tháo đường, gout, tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ suy thận.
Để giảm thiểu nguy cơ suy thận mạn tính, cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm nhiều rau củ quả, uống đủ nước, và giảm thiểu lượng muối và thực phẩm chế biến sẵn. Thói quen tập luyện thể dục đều đặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thận. Ngoài ra, việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc cũng là yếu tố quan trọng.
Việc khám sức khỏe định kỳ cũng là rất cần thiết, đặc biệt đối với nhiều người trẻ thường chủ quan. Nhiều người chỉ đi khám sức khỏe khi đã cảm thấy có vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh lý trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Bình luận