Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng ngày 1/9 thông tin, mới tiếp nhận nam bệnh nhân 27 tuổi gặp biến chứng nặng nề do không chịu dùng thuốc điều trị tiểu đường bác sĩ kê đơn.
Bệnh nhân là anh L.V.T (27 tuổi), đến Khoa Khám bệnh trong tình trạng tiêu chảy, mệt mỏi, ăn uống kém. Bác sĩ chẩn đoán anh bị rối loạn chức năng, mắc đái tháo đường không phụ thuộc insulin, chỉ định nhập viện điều trị.
Người nhà cho biết nam bệnh nhân biết mắc bệnh đái tháo đường hơn 3 năm nay nhưng không dùng thuốc do bác sĩ kê đơn. Sau một thời gian dài uống thuốc nam, bệnh nhân có thể trạng suy kiệt, nhiều vết loét nhiễm trùng trên da, cho đến khi mắt nhìn mờ, kém, gia đình mới đưa đến viện khám và điều trị.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.
Đến nay, thế giới chưa có loại thuốc nào chữa dứt điểm bệnh này chỉ sau một vài đợt điều trị. Không ít gian thương lợi dụng sự lo lắng, thiếu kiên trì của bệnh nhân để quảng cáo về những phương thuốc có thể chữa khỏi bệnh này.
Thực tế, các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Bệnh nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đái tháo đường nhập viện vì ngộ độc sau dùng viên hoàn với lời quảng cáo "trị được tận gốc căn bệnh", thậm chí có bệnh nhân tử vong.
Kết quả xét nghiệm các viên hoàn người nhà bệnh nhân mang đến cho thấy chứa Phenfomin - hoạt chất đã bị cấm sản xuất và lưu hành cách đây 50 năm do những tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm. Thông thường ngộ độc do Phenformin sẽ gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50-60% trở lên. Thuốc này ngoài làm tụt đường huyết còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận rất nặng.
Để tránh tiền mất tật mang, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ cảnh báo người bệnh không nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là thuốc dạng viên hoàn, hay các bài thuốc chưa được kiểm định để tự điều trị đái tháo đường.
Bình luận