• Zalo

Sudico: Một công ty 2 tổng giám đốc

Kinh tếThứ Sáu, 28/10/2011 10:41:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tổng giám đốc bị Chủ tịch HĐQT bãi nhiệm chưa chịu rời bỏ vị trí trong khi Tổng giám đốc mới đã được bổ nhiệm.

(VTC News) - Câu chuyện hơn 2 năm trước lại lặp lại ở Sudico. Tổng giám đốc bị Chủ tịch HĐQT bãi nhiệm chưa chịu rời bỏ vị trí trong khi Tổng giám đốc mới đã được bổ nhiệm. Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh những biến cố đang xảy ra tại doanh nghiệp vào loại “tầm cỡ” trong lĩnh vực bất động sản này.


Chủ tịch HĐQT: Ông Dũng không hoàn thành nhiệm vụ


Ngày 24/9/2011, HĐQT Công ty Sudico tổ chức họp hội đồng quản trị công ty để kiểm điểm thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CT-H ĐQT ngày 14/8/2011 của Đại hội cổ đông Công ty  trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch  thực hiện quý IV/2011. Cuộc họp xoay quanh các vấn đề sản xuất kinh doanh, tài chính, định biên, tổ chức nhân sự. Tại cuộc họp này, ông Phan Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Sudico đã thông báo quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Vi Việt Dũng.

Quyết định bãi nhiệm TGĐ Vi Việt Dũng gây tranh cãi

Ngày 26/9, ông Phan Ngọc Diệp ban hành quyết định chính thức về việc này. Quyết định nêu rõ: “Thôi chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà đối với ông Vi Việt Dũng để tập trung thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách. Ông Vi Việt Dũng có trách nhiệm giao lại toàn bộ công việc đã được giao theo đúng quy định pháp luật của nhà nước và các quy định của công ty, hoàn thành việc bàn giao trước ngày 15/10/2011”.
Cũng trong ngày này, ông Phan Ngọc Diệp ban hành quyết định bổ nhiệm ông Ngô Vĩnh Khương giữ chức Tổng giám đốc Sudico.

Sự kiện này ngay lập tức gây chấn động ở Sudico cũng như Tập đoàn Sông Đà. Lý giải về điều này, ông Phan Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Sudico cho biết: “Tại cuộc họp ngày HĐQT ngày 24/9/2011, các thành viên HĐQT đã xem xét, phân tích số liệu sản xuất kinh doanh từ năm 2008-2011 và thấy rằng kết quả sản xuất kinh doanh đạt rất thấp đối với các chỉ tiêu giá trị đầu tư, giá trị sản xuất kinh doanh, có xu hướng giảm dần. Sudico hiện đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ ngày thành lập đến nay.


Các công việc không được triển khai thực hiện, khoản vay lớn với lãi suất cao dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư của các dự án. Việc triển khai nhiệm vụ của Ban Tổng giám đốc đối với nhiều công việc không được thực hiện triệt để hoặc triển khai theo kiểu hình thức, không đôn đốc và chỉ đạo cấp dưới làm việc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc nhưng không báo cáo H ĐQT để xin chỉ đạo. Việc phân công nhiệm vụ Ban Tổng giám đốc của Tổng giám đốc không rõ ràng, chồng chéo, giao việc cho phòng ban không teo chức năng nhiệm vụ. Việc định biên, tuyển dụng không được Ban lãnh đạo công ty coi trọng. Đây là những nguyên nhân chủ quan lớn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2011 cũng như trong một số năm gần đây.


Cuộc họp của HĐQT diễn ra theo thông lệ. Tuy nhiên, với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đánh giá ở trên, các nguyên nhân dẫn đến kết quả như vậy tại cuộc họp một số thành viên đề xuất Chủ tịc HĐQT phải cơ cấu lại nhân sự chủ chốt để đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển của công ty trong thời gian tới.


HĐQT đã quyết định thôi kiêm chức Tổng giám đốc công ty, Người đại diện phần vốn nhà nước theo pháp luật với ông Vi Việt Dũng để thực hiện nhiệm vụ thành viên  HĐQT chuyên trách đồng thời lựa chọn ông Ngô Vĩnh Khương để ký hợp đồng với chức danh Tổng giám đốc, Người đại diện pháp luật của công ty”.


Trả lời phỏng vấn báo Đầu tư Chứng khoán ra ngày 12/10/2011, ông Phan Ngọc Diệp cũng nói rõ hơn về điều này. Theo ông Diệp, năm 2008, tổng công ty Sông Đà cử ông Vi Việt Dũng về làm người đại diện vốn Tổng công ty và làm Tổng giám đốc Sudico. Ông Dũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy điện và cũng từng làm nhà thầu thi công xây lắp nhiều công trình cho Tổng công ty Sông Đà. Tuy nhiên, ông Dũng chưa quen và có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, triển khai các dự án bất động sản.


Cuộc họp  HĐQT ngày 24/9/2011 đã mổ xẻ, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh giảm sút mấy năm qua của Sudico. Bên cạnh nguyên nhân khách quân từ khó khăn kinh tế nguyên nhân chủ quan  từ năng lực người điều hành doanh nghiệp  rất rõ qua việc thường xuyên không hoàn thành các mục tiêu công việc theo Nghị quyết HĐQT…


Ông Vi Việt Dũng phản pháo


Sau khi bị bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Sudico, ông Vi Việt Dũng đã phản đối quyết định này và làm báo cáo gửi lên Đảng bộ, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc tập đoàn Sông Đà.

Ông Vi Việt Dũng kêu oan

Theo như báo cáo của ông Vi Việt Dũng, năm 2010, 9 tháng đầu năm 2011, công ty Sudico chưa đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, ngoài những nguyên nhân khách quan (nền kinh tế suy thoái, thị trường tài chính bất ổn, thị trường bất động sản suy giảm) còn có nguyên nhân chủ quan là công tác chỉ đạo của HĐQT công ty, Chủ tịch là ông Phan Ngọc Diệp.


Cụ thể, ông Diệp đã ban hành điều lệ, các quy chế quy định không đúng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, can thiệp sâu vào công tác điều hành, không thực hiện đúng quy chế quản lý phần vốn của Tập đoàn Sông Đà tại doanh nghiệp khác. Với một doanh nghiệp có quy mô lớn như Sudico, công tác điều hành của Tổng giám đốc gặp khó khăn rất nhiều do thiếu căn cứ pháp lý, dễ vi phạm quy chế, quy định nên không thể đẩy nhanh tiến độ công việc, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty.


Theo ông Vi Việt Dũng, năm 2011, HĐQT Sudico đã ban hành một số Nghị quyết, quyết định yêu cầu Tổng giám đốc triển khai kinh doanh trái quy định của pháp luật, không thể triển khai thực hiện.


Điển hình là quyết định 109/QĐ-CT-H ĐQT ngày 28/6/2011 về việc triển khai một số công tác tại các dự án trọng điểm của công ty Sudico (quyết đinh giá chuyển nhượng một phần diện tích HH3 không thấp hơn 14.000.000 đồng/m2 không có phương án kinh doanh). Quyết định số 128/QĐ- HĐQT ngày 28/7/2011 về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị Nam An Khánh (quyết định giá chuyển nhượng một số ô đất xây dựng nhà liền kề có sân vườn có diện tích lớn hơn hoặc bằng 300m2 tối thiểu là 28.000.000 đồng/m2 không có phương án kinh doanh kèm theo, đơn vị nhận chuyển nhượng là công ty cổ phần Sudico An Khánh…


Ngoài ra HĐQT Sudico còn ban hành một số quyết định với tổng diện tích kinh doanh, huy động vốn là 21,9ha với giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng. Theo yêu cầu của pháp luật và với điều kiện thị trường bất động sản hiện tại, việc này không thể thực hiện được. Ông Dũng cũng phản đối việc trong cuộc họp HĐQT ngày 24/9/2011, Chủ tich H ĐQT Sudico yêu cầu thực hiện kinh doanh ngay tại dự án Nam An Khánh đạt 1.000 tỷ đồng  với lý do không đúng pháp luật, chưa được sự chấp thuận của Tập đoàn Sông Đà.


Tập đoàn mẹ nói dừng bãi nhiễm TGĐ

Ông Vi Việt Dũng khẳng định: Việc ông Phan Ngọc Diệp ban hành quyết định miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng giám đốc không đúng quy định của Nhà nước, quy chế của Tập đoàn Sông Đà. Để bảo vệ tài sản của Nhà nước ông Dũng đã phản đối và chưa thực hiện các quyết định trên.

Ông Dũng đề nghị Đảng bộ, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà có biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước tại Sudico, tránh việc triển khai kinh doanh bất hợp pháp tại dự án Nam An Khánh. Xem xét làm rõ những vi phạm pháp luật, quy chế của Tập đoàn của ông Phan Ngọc Diệp trong việc quản lý phần vốn tại Sudico.


Trước những tranh cãi nảy lửa giữa ông Phan Ngọc Diệp và ông Vi Việt Dũng, Tập đoàn Sông Đà đã vào cuộc. Ngày 29/9/2011, Tập đoàn Sông Đà đã có công văn số 1531/T ĐS Đ/TCNS nêu rõ: Ông Phan Ngọc Diệp chủ trì cuộc họp, biểu quyết và ra quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm Tổng giám đốc là trái với quy định của Nhà nước, quy chế quản lý người đại diện phần vốn của Tập đoàn Sông Đà đầu tư vào doanh nghiệp khác và Điều lệ hoạt động của Tập đoàn Sông Đà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để đảm bảo quyền lợi cổ đông Nhà nước, Tập đoàn Sông Đà yêu cầu HĐQT công ty Sudico dừng việc thực hiện quyết định bãi nhiệm ông Vi Văn Dũng và quyết định bổ nhiệm ông Ngô Vĩnh Khương.


Tuy nhiên, chỉ đạo này đã không được HĐQT thực hiện. Chính vì vậy, cho đến nay vẫn đang tồn tại hàng loạt mâu thuẫn chưa thể giải quyết tại công ty này.


Kỳ sau: Tập đoàn Sông Đà cũng “chịu”?

Lan Phương
Bình luận
vtcnews.vn