Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu (24/2/2022), nhiều nước tham gia hỗ trợ các trang thiết bị quân sự và vũ khí cho Ukraine. Trong số đó, Ba Lan đã nổi lên và trở thành quốc gia ủng hộ chính của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngay thời gian đầu cuộc xung đột nổ ra, Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực áp trần dầu thô Nga, đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn với nền kinh tế Moskva. Warsaw cũng đã gửi một số lượng lớn vũ khí tới Kiev, nhanh chóng trở thành trung tâm hậu cần cho dòng chảy vũ khí từ phương Tây tới Ukraine.
Quốc gia NATO đầu tiên chuyển máy bay cho Ukraine
Trong một tuyên bố vào ngày 16/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine 4 máy bay chiến đấu MiG-29 trong những ngày tới, trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên gửi chiến đấu cơ cho Ukraine. Ngoài ra Warsaw sẽ tiếp nhận các máy bay chiến đấu từ các quốc gia khác để chuyển giao cho Ukraine.
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng Ba Lan là quốc gia NATO có vị trí dễ bị “tổn thương” trong cuộc xung đột tại Ukraine, được xem là tiền đồn của NATO. Warsaw luôn lo ngại mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, điều này giải thích một phần lý do tại sao nước này rất chủ động hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đang thúc đẩy các đồng minh khác làm nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó Ba Lan cũng muốn tranh thủ để nhận được sự ủng hộ từ các nước NATO và củng cố vị thế của đất nước.
Ba Lan trở thành thành viên NATO vào ngày 12/3/1999. Hơn 24 năm qua, vị thế của Ba Lan trong NATO không ngừng tăng lên và quân đội của quốc gia này đang được đầu tư mạnh mẽ với mong muốn trở thành một cường quốc quân sự hàng đầu ở châu Âu.
Ngân sách quốc phòng của Ba Lan hiện chiếm 2,4% GDP của đất nước và giúp quốc gia này nằm trong top 3 NATO về chi tiêu quân sự. Mục đích chính là nhằm tăng gấp đôi sức mạnh của lực lượng vũ trang Ba Lan lên 300.000 người và mở rộng quy mô của lực lượng phòng vệ lên 50.000 người. Bên cạnh đó, Ba Lan đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa khí tài quân sự.
Quân đội Ba Lan từ lâu đã nhận ra nhu cầu cần phải thay thế các hệ thống vũ khí lên tới 30 - 40 năm tuổi. Điều này đặc biệt đúng với lục quân và không quân Ba Lan. Lực lượng này vẫn vận hành xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72 và PT-91 (một biến thể của T-72) thời Liên Xô cũng như máy bay MiG-29 và Su-22.
Ngay từ năm 2012, các nhà hoạch định quốc phòng Ba Lan đã vạch ra một lộ trình có cấu trúc cho các chương trình mua sắm quân sự trong Kế hoạch hiện đại hóa kỹ thuật lực lượng vũ trang (PMT). Kể từ đó, kế hoạch đạt được một số tiến bộ tốt, nhưng không đồng đều trong việc mua thiết bị mới.
Sức mạnh quân sự của Ba Lan
Trong số các quân, binh chủng thuộc lực lượng vũ trang Ba Lan, lục quân đã phát triển mạnh nhất về nhân sự - tăng 1/3 quân số trong nửa thập kỷ qua. Quốc gia này đã bổ sung và thành lập mới thêm các sư đoàn bộ binh, tập trung bố trí ở biên giới phía bắc với tỉnh Kaliningrad của Nga và phía đông biên giới với đồng minh của Nga là Belarus. Nhưng để đối đầu với các lực lượng Nga đóng quân ở đó, Ba Lan cần bổ sung hàng trăm phương tiện bọc thép hiện đại, đặc biệt là xe tăng chiến đấu chủ lực.
Lực lượng xe tăng chủ lực của Ba Lan hiện tại gồm Leopard 2A4, Leopard 2PL, Leopard 2A5, M1A2 và K2 Black Panther. Đây đều là các dòng xe tăng hiện đại và mới được đưa vào trang bị trong thời gian gần đây.
Ngoài việc xây dựng các đơn vị xe tăng mới, quân đội Ba Lan phải thay thế nhiều thiết bị lỗi thời khác, bao gồm khoảng 1.200 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và 300 xe trinh sát BRDM-2, chưa kể pháo binh, thiết bị công binh và các loại vũ khí khác nhau.
Mặc dù Ba Lan đã đưa vào trang bị các khẩu pháo tự hành Krab 155 mm mới và hệ thống súng cối tự hành Rak 120 mm cho các đơn vị pháo binh, nhưng việc trang bị đầy đủ cho 17 lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ mới vẫn còn là một bài toán khó.
Về hải quân, với hạm đội đang dần lỗi thời, hải quân Ba Lan cũng cần đẩy nhanh các chương trình mua sắm và đóng mới tàu chiến. Trong đó có thể nhắc đến chương trình Orka mua ba tàu ngầm tấn công diesel-điện thế hệ mới.
Chương trình Orka đã nhiều lần bị trì hoãn, ngay cả khi hải quân Ba Lan sắp cho những chiếc tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 207 cuối cùng về hưu. Do đó, đã có suy đoán rằng Ba Lan có thể mua hai tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Södermanland trước đây của hải quân Thụy Điển để lấp đầy khoảng trống cho đến khi chương trình Orka thành công.
Hải quân Ba Lan cũng đã phê duyệt dự án mua những chiếc tàu khu trục nhỏ và đã tiến hành đóng vào năm 2022. Nhưng cho đến khi các tàu khu trục nhỏ được đưa vào hoạt động, khả năng chống chịu trên biển tốt nhất của hải quân Ba Lan chỉ trông chờ vào hai khẩu đội phòng thủ bờ biển được mua vào năm 2015. Các khẩu đội hiện đang bao phủ bờ biển miền trung của Ba Lan với 48 tên lửa chống hạm NSM của Na Uy.
Về không quân, lực lượng không quân Ba Lan cũng rơi vào tình thế khó khăn. Bất chấp hoạt động không quân gia tăng của Nga ở khu vực Baltic gần đó, số lượng máy bay chiến đấu đang hoạt động của Ba Lan đã giảm từ 128 xuống 98 trong những năm 2010 và hầu hết các máy bay trong biên chế đều có từ thời Liên Xô.
Nhưng may mắn thay cho lực lượng không quân, hai chương trình mua sắm trang bị lớn nhất của lực lượng này đã cho thấy những tiến bộ rõ rệt. Ba Lan đã mua 32 máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ vào năm 2020. Sau khi những chiếc F-35A đầu tiên được giao vào năm 2024, Ba Lan thậm chí có thể mở rộng khả năng của mình bằng cách mua các phương tiện bay không người lái (UAV) để làm trợ thủ đắc lực cho các máy bay chiến đấu trong tương lai.
Vào ngày 31/1/2020, tại Dęblin, Ba Lan, Mariusz Błaszak, Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan, đã ký hợp đồng mua 32 máy bay đa năng F-35. Đồng thời, Warsaw quyết định mua hai khẩu đội hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không MIM-104 Patriot của Mỹ để tăng cường khả năng phòng không trên mặt đất. Ba Lan cuối cùng đã chốt được thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD vào năm 2018 và khẩu đội tên lửa Patriot đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm nay.
Gần đây hơn, mong muốn đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí của Ba Lan cũng được nhìn thấy trong các chương trình mua UAV tầm trung. Tháng 5/2021, Warsaw tuyên bố mua 24 chiếc UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài những khách hàng truyền thống, Ba Lan gần đây cũng đã đặt mua vũ khí trị giá 10-12 tỷ USD từ Hàn Quốc, bao gồm 180 xe tăng K2 Black Panther, 200 pháo K9 Thunder, 48 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 và 218 hệ thống pháo phản lực K239 Chunmoo. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ cung cấp tổng cộng 1.000 xe tăng K2 và 600 khẩu pháo K9 vào giữa đến cuối những năm 2020.
Bên cạnh việc mua mới vũ khí trang bị thì Ba Lan cũng thỏa thuận với Mỹ để gửi những chiếc máy bay thời Liên Xô có trong biên chế của không quân nước này như MiG-29 cho Ukraine để đổi lấy các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Cho đến nay, Ba Lan đã giành được nhiều thành công trong việc mở rộng lực lượng vũ trang của mình. Với sự đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc phòng, quân đội Ba Lan sẽ sớm trở thành một lực lượng hùng mạnh trong khu vực và sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu trong việc hỗ trợ cho quân đội Ukraine.
Bình luận