Hải quân Mỹ liên tục thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bằng việc gửi hàng loạt các tàu sân bay tới vùng biển này tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải (FONOP).
USS Carl Vinson
Tháng 2/2018, Mỹ điều tàu sân bay USS Carl Vinson tiến về Biển Đông trong hoạt động tuần tra thường kỳ.
Khi USS Carl Vinson neo đậu ở Vịnh Manila trong chuyến thăm tới Philippines, Thiếu tá Tim Hawkins, chỉ huy phó USS Carl Vinson khẳng định: “Luật pháp quốc tế cho phép chúng tôi hoạt động ở đây, bay ở đây, huấn luyện ở đây, cho phép chúng tôi ra khơi ở đây và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.
Ông Hawkins nói thêm rằng USS Carl Vinson không thực hiện hoạt động nhằm bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông trong lần triển khai này, nhưng có thể thực thi sứ mệnh đó trong những lần tới.
Vài ngày sau đó, USS Carl Vinson có chuyến thăm lịch sử tới Đà Nẵng vào đầu tháng 3.
"Không một tàu sân bay nào của Mỹ có mặt tại đây suốt 40 năm qua. Bằng chuyến đi này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy an ninh, thịnh vượng trong khu vực", Chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy tàu sân bay USS Carl Vinson nói về hải trình lịch sử của hàng không mẫu hạm Mỹ.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson là một trong 10 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz. Với tổng chiều dài gần 333m, lượng giãn nước 101.000 tấn; đây là lớp tàu chiến lớn nhất trên thế giới.
Tàu sân bay USS Carl Vinson được biên chế Liên đội không quân số 2 (CVW-2) với hơn 70 máy bay. Trong đó hơn 1/2 là tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet, đây là lực lượng tiến công chủ yếu của cụm tàu sân bay Mỹ, có khả năng tiến công các mục tiêu trên không, trên mặt biển, mặt đất của đối phương.
Ngoài tiêm kích hạm ra, liên đội có 19 máy bay trực thăng SH-60 Seahawk thực hiện tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước, tiếp tế cho tàu sân bay khi hoạt động xa bờ; 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Glowler (được phát triển từ mẫu F/A-18) có nhiệm vụ gây nhiễu, chế áp điện tử và tiến công các hệ thống phòng không của đối phương.
Quân số phi công, thủy thủ trên tàu sân bay khoảng 6.000 người, được huấn luyện bài bản, phối hợp thuần thục, tạo nên sức mạnh tác chiến gần như bất khả xâm phạm của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson.
USS Theodore Roosevelt
Tới đầu tháng 4/2018, nhóm tác chiến tàu sân bay do hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt dẫn đầu được Hải quân Mỹ triển khai tới Biển Đông để thực hiện hoạt động huấn luyện thường xuyên chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc triển khai tập trận quy mô lớn tại vùng biển này với sự tham gia của khoảng 40 chiến hạm.
Trong hải trình từ Singapore tới Philippines, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ nhiều lần chạm trán với các tàu hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, Chuẩn đô đốc Steve Koehler, tư lệnh nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt nói rằng các chiến hạm Trung Quốc đã "hoạt động chuyên nghiệp".
USS Theodore Roosevelt được đặt tên theo vị Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ, là tàu sân bay lớp Nimitz được trang một hệ thống nhà radar 010 nặng 66 tấn, một trung tâm thông tin liên lạc và các thiết bị điện tử khác.
USS Theodore Roosevelt được coi là tàu sân bay hiện đại và lớn nhất của Mỹ. Tàu có chiều dài hơn 320 m. Boong tàu, rộng khoảng 18.000 m2, là nơi cất cánh của hơn 60 máy bay chiến đấu.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được coi là biểu tượng sức mạnh của hải quân Mỹ, với 4 đường băng cùng 4 máy phóng phi cơ. Vận tốc của tàu có thể lên tới 64,8 km/h. Tàu có khả năng mang theo 90 phi cơ các loại và hơn 5.000 binh sĩ.
USS Ronald Reagan
Ngày 29/5, tàu sân bay USS Ronald Reagan rời khỏi căn cứ Yokouka, bắt đầu sứ mệnh tuần tra Biển Đông cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam và USS Chancellorsville.
"Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực củng cố khả năng phòng vệ giữa chúng tôi và đồng minh, đồng thời thúc đẩy tự do hàng hải, đảm bảo giao thương không bị cản trở, ngăn chặn xung đột và thúc đẩy việc tuân thủ các quy tắc quốc tế", Chuẩn Đô đốc Marc Dalton nhấn mạnh khi phát biểu trên USS Ronald Reagan.
Hoạt động tuần tra của USS Ronald Reagan diễn ra chỉ vài ngày sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân quốc tế quy mô lớn RIMPAC tại Hawaii.
USS Ronald Reagan được đặt theo tên của Tổng thống Mỹ thứ 40 tại vị từ năm 1981 đến năm 1989. Đây là một trong số những siêu tàu sân bay cuối cùng của lớp Nimitz, được biên chế chính thức vào năm 2003, cho đến nay đây vẫn là một trong những siêu tàu sân bay mạnh nhất của Mỹ và thế giới. Những siêu tàu sân bay này có khả năng mang tối đa 90 chiếc phi cơ. Siêu tàu sân bay này thuộc biên chế Hạm đội 7, đơn vị phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, Mỹ nhiều lần lên tiếng không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông vốn đã bị tòa án quốc tế bác bỏ. Bắc Kinh trong khi đó lớn tiếng chỉ trích Washington liên tục gửi các tàu quân sự tới Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng quan hệ quân sự Mỹ-Trung, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Hải quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các hành động tương tự.
>>> Đọc thêm: Tướng Trung Quốc kêu gọi đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông, gây thương vong 10.000 người
Bình luận