• Zalo

Phải làm gì nếu trẻ bị ngạt thở do bị bỏ quên trong ô tô?

Sức khỏeThứ Tư, 07/08/2019 16:10:00 +07:00Google News

Cấp cứu người bị ngạt khí (khí CO và CO2 từ khói xe hơi) khá khó khăn, do vậy, việc phát hiện sớm, cấp cứu nhanh đúng cách rất quan trọng.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn – khoa Hóa, Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong xe ô tô là môi trường kín, do chạy bằng động cơ khí đốt trong (xăng, dầu) nên lượng khí thải lớn, quá trình đốt cháy của động cơ sẽ đốt oxy và nhả ra CO2. Trẻ em, thậm chí là cả người lớn nếu bị nhốt bên trong cũng đều có nguy cơ mất mạng vì không có oxy để thở.

“CO2 là khí không màu, không mùi lại có khả năng lấy oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng lại không có oxy. Nạn nhân trong hoàn cảnh này dễ bị khó thở, hôn mê và thiệt mạng nhanh chóng, có khi chỉ trong vài phút”, ông Côn nói.

Ngoài ra, khí thải xăng dầu đốt ra cũng khiến con người bị rối loạn 1 số hormone ở hệ thần kinh. Do vậy, ngạt khí CO, CO2 đặc biệt nguy hiểm, nạn nhân không có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài. Nếu bị ngạt nhẹ cũng gây bất tỉnh, còn ngạt nặng thì ngấm độc từ từ, nạn nhân rất khó phản ứng.

2

 Cấp cứu cho trẻ bị ngạt khí khá khó khăn. (Ảnh: Minh họa/kenh14)

Việc cần làm ngay khi trẻ ngạt khí

Theo PGS Côn, cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí, đặc biệt là ngạt khí CO và CO2 tương đối khó khăn, do 2 khí trên có đặc thù “cướp” đi oxy, khiến nạn nhân nhanh chóng bị thiếu oxy, ngạt thở, ngạt tế bào và hôn mê não.

Nếu không được cấp cứu sớm, nạn nhân có sống cũng sống thực vật. Nếu không, họ sẽ thiệt mạng nhanh chóng. Do vậy, nắm rõ cách sơ cứu ban đầu cho nạn nhân là rất quan trọng. Nếu trẻ bị ngạt khí, các phụ huynh cần làm những việc sau:

- Nhanh chóng chuyển trẻ ra khỏi môi trường thiếu oxy ra nơi thoáng mát.

- Tránh tập trung đông người hiếu kỳ để dành khoảng không môi trường tốt cho trẻ được cấp cứu kịp thời.

- Cởi bỏ áo ngoài, cúc áo trên người để đảm bảo cho trẻ luôn được thoải mái, dễ thở.

- Song song với đó, cần nhờ hoặc gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt để nhờ hỗ trợ.

- Theo dõi tình trạng của trẻ, nếu thấy có dấu hiệu thở yếu hoặc ngưng thở thì cần phải hà hơi thổi ngạt.

- Các thao tác phải thực hiện nhanh, chính xác cùng lúc gọi viện trợ từ nhân viên y tế, bởi nạn nhân bị ngạt khí tính mạng luôn trong tình trạng nguy hiểm, thời gian đôi khi chỉ được tính bằng phút.

3 3

 Đừng để con một mình trên xe. (Ảnh: VnExpress)

Dạy con kỹ năng thoát hiểm khi bị kẹt trong xe

Cùng với việc phòng tránh cho con khỏi bị ngạt khí thì việc trang bị cho trẻ kỹ năng thoát hiểm trong tình huống bị kẹt trong xe ô tô cũng rất quan trọng.

Phụ huynh có thể hướng dẫn con những việc như: Mở khóa cửa sổ, phá cửa kính ôtô hay cố gắng liên lạc với người bên ngoài bằng điện thoại di động.

Ngoài ra, do được thiết kế khá đặc biệt, còi và đèn khẩn cấp của mỗi chiếc xe sẽ được đấu trực tiếp mà không qua khóa nguồn, nên phụ huynh cũng chỉ cho con vị trí của còi xe ô tô, đèn khẩn cấp và hướng dẫn con cách bấm còi, bật đèn khẩn cấp nếu con bị khóa trong xe ô tô (kể cả là xe đã tắt máy và rút chìa khóa).

Phụ huynh hãy nói với trẻ rằng cần bấm còi liên tục đến khi nào có người tới mới thôi.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng hướng dẫn con giữ bình tĩnh trong trường hợp này, bởi tâm lý hoảng loạn càng làm các bé mệt mỏi vì thiếu oxy và nước uống.

Phụ huynh cần cảnh báo trẻ về môi trường trong xe ô tô nếu ở một mình sẽ nguy hiểm thế nào để trẻ có kiến thức phòng tránh.

Phòng tránh cho trẻ như thế nào?

Do đang còn nhỏ tuổi, nhận thức và hiểu biết của trẻ còn nhiều hạn chế, nên việc phản ứng đúng, kịp thời khi vô tình bị nhốt trong xe ô tô hầu như không thể. Do vậy, để phòng tránh ngạt thở, gây nguy hiểm cho trẻ, phụ huynh nên quan tâm hơn tới trẻ, tránh để xảy ra tình huống đáng tiếc.

Cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

Khi đỗ xe, cha mẹ cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ và khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt.

Trong quá trình lái hoặc ngồi trên xe, nên thường xuyên để mắt và nói chuyện với trẻ, sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) để phản ứng kịp thời.

Tuyệt đối không được để trẻ ngồi trong xe một mình.

Khi có việc bất đắc dĩ phải ra ngoài, nhất thiết phải có người lớn ngồi trông trẻ, mở cửa kính nếu nhiệt độ bên ngoài thoáng mát hoặc bật điều hòa chế độ gió ngoài để bổ sung thường xuyên oxy.

Nếu không may phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như: thân nhiệt nóng lên đột ngột, khó thở, mê man, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn