Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhai mớm cơm là hành động người lớn cho cơm vào miệng nhằm nghiền nát rồi bón cho trẻ ăn. Việc làm này thường được thực hiện ở giai đoạn trẻ chưa có răng, chưa tới nhóm tuổi ăn cơm. Khi ăn cơm mớm, thức ăn dễ được tiêu hóa hơn do quá trình nghiền nát có lẫn theo men tiêu hóa của người nhai (men tiêu hóa trong nước bọt).
Tuy nhiên, đây lại là thói quen mất vệ sinh và tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe với trẻ nhỏ. Bởi khi ăn cơm mớm, trẻ vô tình sẽ bị lây nhiễm một số bệnh từ người nhai qua đường ăn uống, hô hấp. Một số bệnh bao gồm: bệnh lỵ amip, bệnh viêm gan, bệnh màng não cầu, đặc biệt là khuẩn Helicobacter pylori (HP). HP là một loại xoắn khuẩn sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày, có thể tìm thấy qua dịch miệng họng những người viêm loét dạ dày do HP.
Theo bác sĩ nhi Tô Quang Huy, hiện nay, có khoảng 90% người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, đa số HP không gây bệnh, chỉ những HP mang gen có độc lực mới gây bệnh, chúng dễ lây qua dịch tiết họng. Nhóm người dễ mắc HP nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Vi khuẩn HP thường lây bệnh cho trẻ chủ yếu qua các con đường miệng, hô hấp, qua hành động hôn, thơm vào miệng hoặc nhai, mớm, đút thức ăn hay dùng chung bát, đũa, thìa, uống chung cốc.
Trẻ nhiễm vi khuẩn HP thường bị khó tiêu, buồn nôn, nôn, chán ăn, chậm lớn, thậm chí nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân đen, hôi. Nguy hiểm hơn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ dễ gặp biến chứng viêm loát dạ dày, tá tràng cấp và mạn tính, lâu dài dẫn đến nguy cơ ung thư.
Do vậy, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, các phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai để tránh nguy cơ bị lây nhiễm các vi khuẩn nguy hiểm.
Mới đây tại Hà Nội, bé trai 6 tuổi (trú quận Hoàng Mai) bị lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) từ bà. Được biết, bà nội bé trước đó có tiền sử mắc viêm loét dạ dày. Nghĩ là khỏi bệnh, hàng ngày bà thường nhai cơm và mớm cho bé ăn nên vô tình khiến bé bị nhiễm vi khuẩn HP lúc nào không biết.
Một năm sau, bé có biểu hiện nôn khan, da xanh xao, gầy, đi ngoài phân đen được cha mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả nội soi cho thấy, bé bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, sần hạt dạ dày, hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP.
Bình luận