Lee Mercker đến từ Florida, Mỹ là bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm một loại vaccine mới sau khi được chẩn đoán bị ung thư vú ở tháng thứ 3 – giai đoạn đầu của bệnh.
Các bác sĩ cho biết, do phát hiện sớm, nên hiện các tế bào ung thư vú của Lee chưa lan rộng. Tuy nhiên, để điều trị, cô buộc phải lựa chọn giữa 3 phương pháp là: Phẫu thuật cắt bỏ khối u, phẫu thuật cắt bỏ một phần ngực và tham gia thử nghiệm lâm sàng để tiêm một loại vaccine mới, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chúng quay trở lại.
Lo ngại phẫu thuật, Lee quyết định đặt niềm tin vào phương pháp tiêm vaccine chống lại ung thư. Thật bất ngờ, sau cuộc thử nghiệm kéo dài 12 tuần tại bệnh viện ở Jacksonville, các bác sĩ cho biết một số các tế bào ung thư trong cơ thể của cô được tiêu diệt phần lớn nhờ vaccine.
Tiến sĩ, bác sĩ Saranya Chumsri – chuyên gia về ung bướu cho biết, loại vaccine trên được cho là có tác dụng kích thích phản ứng miễn dịch của chính bệnh nhân, từ đó các tế bào miễn dịch có khả năng xâm nhập và tấn công các tế bào ung thư, cũng như ngăn chúng quay trở lại.
“Chúng tôi thử nghiệm lâm sàng trên một bệnh nhân khác và kết quả cũng rất khả quan. Đây mới là thành công bước đầu, để đi đến kết quả cuối cùng và cho ra đời 1 loại vaccine hoàn chỉnh điều trị ung thư vú sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Nhưng chúng tôi hy vọng, phát minh mới này sẽ giúp ích nhiều cho các bệnh nhân ung thư vú lo sợ phải phẫu thuật và đau đớn”, bác sĩ Saranya Chumsri nói.
Chia sẻ về quá trình điều trị của mình, Lee cho biết, để “trải nghiệm” phương pháp tiêm vaccine cô phải trải qua liệu trình gồm 7 mũi tiêm. Trong đó 3 mũi liên tiếp trong 3 ngày đầu tiên, còn lại 4 mũi sẽ được sử dụng xen kẽ trong 4 tuần tiếp theo.
“Mọi thứ khá đơn giản, giống như bạn tiêm vaccine phòng bệnh cúm hay viêm phổi vậy, cảm giác khá dễ chịu và không đau đớn nhiều”, Lee nói.
Theo các bác sĩ, mặc dù kết quả rất tốt, nhưng đây vẫn là thử nghiệm lâm sàng, nên để chắc chắn, thời gian tới Lee vẫn cần phải phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u.
Bình luận