Những ngày qua, câu chuyện nhịn ăn trong 49 ngày của ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ gây ra nhiều tranh cãi.
TS Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho rằng, việc này có thể giải thích được.
Mỗi người có nhu cầu năng lượng, lượng nước khác nhau dựa theo thể trọng và cường độ hoạt động.
Trong đó, mỗi cơ thể đều cần lượng năng lượng tiêu thụ tối thiểu (BMR) để đảm bảo chức năng sống, duy trì các hoạt động của não bộ, hệ tiêu hoá, tuần hoàn, hô hấp, giữ thân thiệt...
Công thức tính BMR:
Nam: BMR = (13,397 x Trọng lượng kg + 4,799 x Chiều cao cm – 5,677 x Tuổi năm + 88,362)
Nữ: BMR = (9,247 x Trọng lượng kg + 3,098 x Chiều cao cm – 4,330 x Tuổi năm + 447,593)
Trên thực tế, sự trao đổi chất lớn nhất khi cơ thể đang ở giai đoạn phát triển. Nữ giới có tỉ lệ trao đổi chất thấp hơn nam giới từ 5-10%. Và sau 40 tuổi tỉ lệ này sẽ giảm từ 2 - 5% do lượng cơ giảm đi và lượng mỡ tăng lên. Nếu ăn dưới 1000 calo, tỉ lệ trao đổi chất cơ bản cũng giảm xuống (có khi đến 50%) để bảo tồn năng lượng, duy trì sự sống.
Khi ngủ, sự trao đổi chất giảm khoảng 10% so với thức. Trái lại, khi bị sốt, trao đổi chất tăng thêm khoảng 7% khi cơ thể tăng lên 1 độ và khi mất ngủ cũng làm giảm quá trình trao đổi chất và làm tăng tích lũy chất béo.
Từ BMR, tính toán lượng calo tiêu thụ trong ngày phù hợp với cường độ vận động (TDEE).
- Nhóm 1: Những người ít hoặc không vận động: TDEE = BMR x 1.2
- Nhóm 2: Những người vận động nhẹ (1-3 lần/tuần): TDEE = BMR x 1.375
- Nhóm 3: Những người vận động vừa phải (3-5 lần/tuần): TDEE = BMR x 1.55
- Nhóm 4: Những người vận động nhiều (6-7 lần/tuần): TDEE = BMR x 1.725
- Nhóm 5: Những người vận động nặng (trên 7 lần 1 tuần): TDEE = BMR x 1.9
Ví dụ nam, 50 tuổi, nặng 71 kg, cao 175cm, thuộc nhóm người vận động nhẹ thì BMR là 1596 kcal và TDEE là 2194 kcal.
Về lượng nước, mỗi ngày cơ thể cần 30 – 45ml/kg cân nặng. Một người lớn 50kg cần khoảng 1400 ml mỗi ngày.
Nhịn được bao lâu tuỳ thể trạng
Theo TS Phùng Tuấn Giang, đối với người bị đói (không được cung cấp dinh dưỡng) mà không phải thiền định hay thực hiện pháp tu nào đó thì trong 24 giờ đầu cơ thể sẽ sử dụng glycogen để cung cấp năng lượng.
Lượng glycogen dự trữ trong cơ thể chỉ đáp ứng trong 12h, sau đó glycogen được lấy từ protein.
Từ ngày thứ 17 trở đi, nếu cơ thể tiếp tục bị đói thì cơ thể sẽ lấy mỡ dự trữ để cung cấp đến 90% năng lượng cho cơ thể.
“Vì vậy, nhịn ăn được bao lâu còn tùy vào thể trạng của mỗi người, có nhiều trường hợp nhịn ăn được đến 8 tuần. Con người có thể sống sót trong khoảng thời gian dài mà không ăn nhưng nếu không uống nước sẽ tử vong nhanh chóng (3 – 5 ngày)”, TS Giang chia sẻ.
Với những trường hợp thiền định và nhịn ăn, TS Giang cho rằng ở góc độ y học tự nhiên cũng có thể lý giải phần nào.
Trong lúc thiền, cơ thể trong trạng thái an yên và tập trung, khi đó các sóng điện trong não bị thay đổi, và bất kỳ sự mất cân bằng giữa hai bên của não sẽ được loại bỏ.
Do đó, các triệu chứng lo âu về bệnh tật được loại bỏ; hơi thở, nhịp tim, huyết áp được điều hòa. Trong lúc thiền, mọi căng thẳng về thể chất, tinh thần có thể được khắc phục.
Chưa kể, ông Vũ còn sử dụng nước mè đen trong suốt khoảng thời gian này. Thành phần trong 100g hạt mè khô bao gồm: Nước 4,1 - 6,5g; cao ether 43 - 56,8g; protein 17,6 - 24,4g; carbohydrate 9,1 - 25g; dầu béo 38 - 50%; chất thơm bay hơi và nhiều chất vi lượng khác như Ca, P, Fe, Mg, K, Na, Zn, 10 loại axit amin. Đây là loại thực phẩm dinh dưỡng cao, là nguồn năng lượng tự nhiên với 630 kcal/100g hạt khô.
Video: Nhịn ăn 49 ngày ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
“Do đó, trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ thiền định nhịn ăn trong 49 ngày vẫn có thể sống là điều có thể. Nước mè đen cũng chính là nguồn cung cấp một phần năng lượng và kết hợp với năng lượng dự trữ trong cơ thể”, TS Giang phân tích.
Tuy nhiên ông khuyến cáo, nhịn ăn để giảm cân, chữa bệnh hoặc giải độc cơ thể cần được sự tư vấn và theo dõi của thầy thuốc hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
Bình luận